Việt Nam có tới 74% phần mềm đang sử dụng là trái phép, tỷ lệ cao nhất nhì Đông Nam Á

23/10/2019 17:42 PM | Công nghệ

Trong vòng khoảng 6 năm trở lại đây, dù tốc độ xóa bỏ phần mềm trái phép tại Việt Nam cao nhất so với các nước lớn trong khu vực Đông Nam Á, ví dụ như Singapore hay Thái Lan; nhưng do xuất phát điểm của chúng ta quá thấp, nên vẫn nằm trong top đầu quốc gia sử dụng phần mềm trái phép nhiều nhất.

Theo thống kê của BSA – Liên minh phần mềm có trụ sở tại Washington DC – Mỹ và hoạt động trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì tại năm 2017, tỷ lệ dùng phần mềm trái phép tại Việt Nam khoảng 74%, giảm 7% so với năm 2011 (tức là chỉ có khoảng 26% phần mềm đang được sử dụng tại Việt Nam là hợp pháp); trong khi Singapore là 27% giảm 6%, Thái Lan là 66% giảm 6%, Malaysia là 51% giảm 4%, Phillipines là 64% giảm 6% và Indonesia là 83% giảm chỉ 3%.

Theo đó, nếu tính Top 6 nước phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ xài phần mềm trái phép của chúng ta chỉ cao thua Indonesia, gần gấp 3 Singapore. Còn nếu so với các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ của chúng ta càng cao choáng váng, ví dụ như Nhật Bản – New Zealand chỉ còn 16%, Úc 18%.

"Tôi không cảm thấy thất vọng vì tỷ lệ xài phần mềm trái phép của các bạn còn cao, do hồi chúng ta đến Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ của các bạn còn trên 90%, tốc độ xóa bỏ phần mềm trái phép tại Việt Nam rất nhanh, không thua kém gì các nước trong khu vực.

Từ năm 2011 đến 2017, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ mỗi tốc độ của Hàn Quốc và Trung Quốc là hơn các bạn, còn nếu tính trung bình tỷ lệ phần mềm trái phép đang được sử dụng tại các quốc gia thì cũng là 87%", ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, việc còn gần 3/4 các tập đoàn tại Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm không có bản quyền, sẽ khiến dữ liệu gặp rủi ro và tạo ra những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống phòng thủ an ninh mạng của Việt Nam.

Nhằm góp phần cải thiện tình trạng trên, BSA đã ra mắt chiến dịch mang tên "Xóa bỏ phần mềm trái phép" để khuyến khích các CEO hợp pháp hóa tài sản phần mềm doanh nghiệp của họ, tuân thủ pháp luật sở tại theo luật Bản quyền và luật An ninh mạng trước khi kết thúc năm 2019.

Chiến dịch "Xóa bỏ phần mềm trái phép" nhắm vào khoảng 10.000 công ty trên khắp Việt Nam được cho là có nguy cơ sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Trong đó bao gồm các tập đoàn thuộc một loạt các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, công nghệ thông tin và y tế. Nhiều nhân viên trong số các công ty này được biết đến là người sử dụng phần mềm nhưng thiếu các thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp phần mềm.

Các cơ quan có thẩm quyền liên quan đã đang và sẽ thực hiện hàng chục cuộc điều tra và kiểm tra công ty để theo đuổi mục tiêu này, với ước tính vào khoảng 80 đến 100 vụ vào cuối năm 2019. Kể từ tháng 1/2018, vi phạm bản quyền là một tội hình sự tại Việt Nam, bị xử phạt lên đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ kinh doanh 2 năm đối với các tổ chức thương mại.

Việt Nam có tới 74% phần mềm đang sử dụng là trái phép, tỷ lệ cao nhất nhì Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bảng thống kê về tỷ lệ dùng phần mềm bất hợp pháp cũng như giá trị của chúng tại các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Không xem xét đúng mực việc quản lý rủi ro từ góc độ công nghệ thông tin đặt dữ liệu của doanh nghiệp, trước tiên nhân viên và khách hàng sẽ đứng trước nguy cơ bị trộm cắp thông qua phần mềm độc hại thường ẩn trong các phần mềm trái phép hoặc không được cập nhật đầy đủ.

"Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh những hậu quả đáng tiếc bằng cách tự giác kiểm tra kỹ lưỡng phần mềm trên máy tính tại công ty để đảm bảo tất cả đều hợp pháp.

Điều đó sẽ đòi hỏi nỗ lực thực tiễn từ các CEO và lãnh đạo cấp cao, những người có quyền lợi trong việc bảo vệ dữ liệu, tài sản kỹ thuật số của công ty họ, của khách hàng, uy tín bản thân và phúc lợi tài chính. Đó là ý tưởng đằng sau chiến dịch này", ông Tarun cho biết thêm.

Một trong những khó khăn lớn nhất của BSA khi hoạt động tại thị trường Việt Nam đó chính là làm sao thuyết phục được các CEO sự cần thiết và lợi ích vượt trội của việc sử dụng phần mềm có bản quyền thay vì phần mềm trái phép.

Và nhằm giúp thúc đẩy các CEO bắt tay vào hành động, BSA đang chuẩn bị ra mắt Công cụ ước tính rủi ro cho CEO. Với phần mềm này, các chủ doanh nghiệp có thể xác định mức phạt mà họ phải đối mặt nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Công cụ này sẽ được thiết kế vì lợi ích chung của các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp phần mềm, không lưu trữ bất kỳ dữ liệu cụ thể nào của các công ty.

"Ngành công nghiệp phần mềm đánh giá cao công việc mà chính phủ Việt Nam đang làm. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thấy nhiều hoạt động của các CEO tại Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng phần mềm tại tập đoàn của họ là hợp pháp 100%.

Điều đó không có nghĩa là chúng tôi cho rằng các CEO vi phạm luật, mà là nhiều người không quản lý bản quyền của tài sản phần mềm của họ đủ chặt chẽ. Các công cụ như Công cụ ước tính rủi ro cho CEO của chúng tôi sẽ khuyến khích họ tuân thủ nghiêm túc hơn.

Thay vì tập trung vào việc đối phó, chúng tôi muốn được hợp tác với các CEO và cung cấp hướng dẫn để họ xem xét tình trạng bản quyền phần mềm tại đơn vị mình. Việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền trong cộng đồng doanh nghiệp Việt đòi hỏi một cách tiếp cận thực tiễn bởi chính các tập đoàn, xem tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm hợp pháp là ưu tiên hàng đầu", ông Tarun thận trọng chia sẻ.

Theo đó, kể cả khi BSA phát hiện doanh nghiệp hoặc tập đoàn nào đó đang xài phần mềm không có bản quyền, họ sẽ không ngay lập tức báo với các cơ quan chức năng để chế tài về pháp luật, mà vào tìm hiểu xem vì sao doanh nghiệp đó làm thế, đồng thời đưa ra những đề nghị thay thế hợp pháp; và chỉ khi doanh nghiệp đó không quan tâm tới thiện chí của BSA và vẫn tiếp tục hành xử như không có việc gì, thì tổ chức này mới dùng biện pháp cứng rắn.

BSA | Liên minh phần mềm (www.bsa.org) là đơn vị ủng hộ hàng đầu cho ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu trước các chính phủ và trên thị trường quốc tế. Các thành viên của liên minh là những công ty sáng tạo nhất thế giới, tạo ra các giải pháp phần mềm thúc đẩy cho nền kinh tế và cải thiện cuộc sống hiện đại. Với trụ sở tại Washington, DC và hoạt động tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, BSA tiên phong trong các chương trình tuân thủ thúc đẩy sử dụng phần mềm hợp pháp và ủng hộ các chính sách công thúc đẩy đổi mới công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM