Việt Nam cảnh đẹp gì cũng không kém thế giới, chỉ kém “con người” thôi!

18/07/2016 10:02 AM | Kinh tế vĩ mô

“Vì sao Thái Lan, Malaysia, Singapore có thể vét tới đồng tiền cuối cùng của du khách, trong khi đó khách du lịch đến Việt Nam một lần không muốn quay lại?” - Đó là câu hỏi trăn trở của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi trao đổi và đi tìm lời giải đáp cho ngành du lịch Việt Nam.

Thế giới có cảnh đẹp gì, Việt Nam cũng đẹp không kém!

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển từ Bắc chí Nam đều dài và đẹp miên man mà hầu hết các quốc gia trên thế giới không thể có được. Các bãi tắm nổi tiếng có thể kể cả ngày không hết như Trà Cổ, Hạ Long, Ðồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Ðà Nẵng, Nha Trang, Cà Ná, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên, Phú Quốc…

Ðặc biệt vùng biển Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới bởi những giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo. Đấy là chưa kể, hang Sơn Đoòng vừa được phong tặng là hang động đẹp nhất thế giới.

Với địa hình thon dài, Việt Nam có sự kết hợp giữa khí hậu nhiệt đới và ôn đới, thể hiện ở những vùng núi tuyệt đẹp như Sa Pa, Tam Ðảo, Bạch Mã, Bà Nà, Ðà Lạt...

Sự kết hợp độc đáo của khí hậu giúp Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng tràm chim và sân chim, nhiều khu rừng quốc gia nổi tiếng với những bộ sưu tập phong phú về động thực vật nhiệt đới như: Vườn quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình, Vườn quốc gia Cát Bà ở Hải Phòng, Vườn quốc gia Côn Ðảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu…

Đấy là thiên nhiên. Bàn về văn hóa, lịch sử, với bề dày lịch sử 4.000 năm, Việt Nam còn giữ được nhiều di tích kiến trúc có giá trị trong đó còn lưu giữ được nhiều di tích cổ đặc sắc với dáng vẻ ban đầu như: Chùa Kim Liên, Chùa Tây Phương (Hà Nội), Tháp Phổ Minh (Nam Định), Chùa Keo (Thái Bình), Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Tháp Chàm (các tỉnh ven biển miền Trung) và kiến trúc cung đình Huế….

Rồi còn ẩm thực nữa chứ. Bao nhiêu của ngon vật lạ từ Bắc xuống Nam không kể đâu cho hết.

Đấy, chỉ cần kể sơ sơ đã thấy về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc, ẩm thực,... chúng ta không thiếu thứ gì.

Ấy thế mà…

So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaisya, Indonesia, Singapore, … du lịch Việt đều cờ dưới. So riêng với Malaysia và Thái Lan thôi thì thua xa. Số liệu năm 2015 cho thấy, lượng khách tới Thái Lan là 29 triệu, Malaysia 25,7 triệu, Việt Nam chỉ 8 triệu lượt khách quốc tế.

Thực tế, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã bắt đầu chững lại vào năm 2015 (giảm nhẹ so với năm 2014), và từ đó đến nay đang trong trạng thái giảm dần đều.

Đáng chú ý là ở Việt Nam khách du lịch thì giảm còn các nước bạn nhỏ bé như Lào, Campuchia không có biển mà khách du lịch lại tăng chóng mặt. Nếu như năm 2010, Lào mới chỉ có hơn 737.000 khách quốc tế ghé thăm, Campuchia có hơn 466.000 khách thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên lần lượt là hơn 4,1 triệu và 4,5 triệu khách.

Mức tăng trưởng được đánh giá “gây bàng hoàng” do hai quốc gia này có xuất phát điểm thấp hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng với tốc độ này chẳng mấy chốc sẽ “vượt mặt” Việt Nam.

Trời phú không thiếu thứ gì - chỉ thiếu "con người" thôi

Có rất nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam mãi mãi chậm phát triển. Nhưng tính đi tính lại, vẫn chủ yếu nằm ở bản thân con người Việt Nam.

Mà rõ ràng nhất phải kể đến các chính sách du lịch chưa ổn thỏa.

Chẳng hạn, về chính sách cấp visa, hiện nước ta mới chỉ miễn cấp thị thực cho 7 quốc gia là Nga, Nhật, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc, Phần Lan và 10 nước ASEAN, mới có quy định miễn thị thực 15 ngày cho du khách từ Anh, Itay, Đức, Tây Ban Nha trong khoảng tháng 7/2015 - 6/2016.

Trong khi đó, một số quốc gia lân cận đã đơn giản hóa thủ tục, thậm chí còn có sự ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua mạng. Singapore miễn thị thực cho công dân của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan miễn thị thực cho hơn 50 quốc gia… .

Chính sách quảng bá du lịch rất hạn chế. Những clip hay nhất về du lịch, phong cảnh Việt Nam, hóa ra toàn do... du khách trong và ngoài nước làm chứ không phải là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, có mục đích từ phía Chính phủ.

Những quy hoạch thiếu đồng bộ. Có lẽ, chỉ có Đà Nẵng là một địa phương hiếm hoi trong việc quy hoạch các khu du lịch của mình. Trong khi đó, kể cả Quảng Ninh, du khách tìm đến vẫn cảm giác "thiếu chỗ chơi".

Có cảnh đẹp là một chuyện, nhưng để khai thác tối đa hiệu quả, đòi hỏi nhà quy hoạch phải có những thiết kế chi tiết về khu vui chơi giải trí, khu sinh cảnh, làng văn hóa, quy hoạch bãi biển, quy hoạch môi trường,... để phát huy tối đa bản sắc văn hóa của điểm du lịch và giúp khách du lịch không nhàm chán.

Mặc dù vậy, những điểm nhấn chung nhất mà nhiều người nhắc tới Việt Nam đó lại là nạn chặt chém, hướng dẫn sang đường không cần quan tâm đèn giao thông hay tình trạng thực phẩm kém vệ sinh. Nó cho thấy, chúng ta không chỉ quy hoạch kém, mà quản lý cũng rất kém.

Nhiều người Việt bật cười trước cảnh khách du lịch Tây loay hoay tìm cách sang đường tại Việt Nam. Đúng là "cười ra nước mắt".

Bước đệm để ngành du lịch đổi thay

Nếu nhìn vào số liệu giảm dần đều về lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam 2 năm trở lại đây, có thể thấy rõ nguyên nhân. Đó là Việt Nam đang bước vào giai đoạn "nhàm chán" trong mắt du khách.

Để thay đổi sự "nhàm chán" này, bên cạnh việc tìm kiếm những khu du lịch mới (vốn có hạn), thì điểm quan trọng nhất nằm ở phía người làm du lịch, đòi hỏi họ phải có sự sáng tạo và đổi mới trong cách thực hiện.

Vì sao Thái Lan, Malaysia, Singapore có thể vét tới đồng tiền cuối cùng của du khách, trong khi đó họ đến Việt Nam một lần không muốn quay lại?

Đó là câu hỏi trăn trở của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi trao đổi và đi tìm lời giải đáp cho ngành du lịch Việt Nam.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói thẳng rằng tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn, nhưng do không được bồi bổ nên tài nguyên đang ngày một kiệt dần. Bài toán ở đây, vẫn là nằm ở tư duy.

Việt Nam không phải học đâu xa, cứ nhìn vào Thái Lan, Malaysia hay Singapore... sẽ thấy cách họ làm du lịch. Vì sao họ có thể thu tới đồng tiền cuối cùng của mỗi du khách, trong khi ở Việt Nam, khách tới một lần không muốn quay trở lại. Ngành du lịch cần khởi đầu lại cho một thời kỳ mới", Phó Thủ tướng trăn trở.

“Chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế, từ trung ương tới địa phương vẫn nặng tư tưởng bao cấp trong du lịch, thì khó mà phát triển chứ chưa nói tới có thành mũi nhọn hay không”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ quả quyết.

Một điểm "an ủi" đó là ngành du lịch của bất kỳ quốc gia nào, rồi cũng sẽ gặp phải tình trạng "nhàm chán" sau khi đi qua một giai đoạn tăng trưởng nhất định. Nhưng để có thể vượt qua giai đoạn này và bước lên một đẳng cấp mới, đòi hỏi sự thay đổi rất lớn trong quan niệm của người làm du lịch Việt.

Theo bản đề án được Bộ trưởng Bộ Thể thao, Văn hoá & Du lịch trình bày, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 khá tham vọng. Cụ thể, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đại, cạnh tranh được với các nước trong khu vực, thế giới và hướng tới mục tiêu trở thành ngành du lịch phát triển sau đó 10 năm.

5 năm tới, Việt Nam kỳ vọng thu hút 14-15 triệu du khách với 600.000 buồng tại cơ sở lưu trú. Ngành này đóng góp khoảng 9-10%GDP, tốc độ tăng trưởng 14-15% một năm và tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có hơn 1 triệu việc làm trực tiếp …

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM