Việt Nam “bị kẹt” ở bẫy giá trị gia tăng thấp vì thiếu sáng tạo

08/09/2017 17:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế giới” cho biết: Việt Nam đang "bị kẹt" ở bẫy giá trị gia tăng thấp do không thể phát triển các chức năng có giá trị cao hoặc cần đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo công bố hai báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế giới” và “Nghiên cứu về tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp” do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương diễn ra sáng 7/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đầu tự trực tiếp nước ngoài đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng xuất khẩu và việc làm.

Theo ông Hải, nội dung các khuyến nghị báo cáo đã chỉ ra nhiều ý tưởng về cách thức Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu do Việt Nam chỉ tham gia vào những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là lắp ráp, gia công.

“Tại Việt Nam, có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế chứ không phải sản xuất”, Thứ trưởng Hải cho biết thêm.

Dẫn báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thứ trưởng Hải cho biết, trong số các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cứng chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2-5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”, ông Hải nói.

Cũng tại hội thảo, ông Ousmane Dieone, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã hội nhập thành công vào một số chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Cùng với đó, quốc gia có thể vươn lên và nâng cao giá trị gia tăng của mình bằng những cải cách và sáng kiến ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới và hội nhập khu vực.

Báo cáo được công bố tại hội thảo cho thấy, Việt Nam đã bước đầu tạo một chỗ đứng trong các chuỗi giá trị toàn cầu, bằng việc chỉ số hội nhập cao hơn với tư cách là bên mua và bên bán trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) từ năm 1995, qua đó đẩy mạnh hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) phía bên mua.

Điều này tạo điều kiện để Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) thông qua việc tăng hàng lương giá trị trong nước trong tổng xuất khẩu 16,6%, mỗi năm từ năm 1995 đến năm 2001 – chỉ thấp hơn so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo của các chuyên gia đến từ WB cũng chỉ ra rằng đến nay Việt Nam vẫn đang ở phân khúc thấp, chủ yếu thực hiện các chức năng gia công lắp ráp, đem lại giá trị gia tăng thấp, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân trong nước còn yếu.

Cùng với đó Việt Nam hiện đang “bị kẹt” ở bẫy giá trị gia tăng thấp do không thể phát triển các chức năng có giá trị cao hoặc cần năng lực đổi mới sáng tạo.

“Trình tự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã thay đổi, Việt Nam không thể dựa vào kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trước đó. Việt Nam có thể tiếp tục phát triển để làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần có các cơ chế chính sách nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này kết nối với các doanh nghiệp FDI để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM