[Video] Công nhân người Việt bị đối xử như nô lệ trong một xưởng may ở Nga

14/08/2012 18:07 PM | Nghề nghiệp

Ngày 31/7, Bộ Di Trú, Bộ Nội Vụ và Cảnh Sát LB Nga thực hiện cuộc giải cứu cho các nạn nhân VINASTAR, nhưng chỉ giải cứu được 69 người. Số còn lại đã bị bọn buôn người di chuyển đi chỗ khác trước đó.




Nguồn video: BBC


Trưa qua (13/8), hàng chục lao động từ Nga về đến sân bay Nội Bài đã đến thẳng cơ quan công an tố cáo việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và bị ép phải làm việc trên 14 tiếng/ngày trong điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Được biết Cục Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận vụ việc này và đang trong quá trình điều tra.


Trong số lao động trở về nước lần này có 3 công nhân làm việc tại xưởng may Vinastar tại Nga. Đây là số lao động đã từng gửi đơn kêu cứu đến Bộ Ngoại Giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (từ cuối tháng 5/2012) đồng loạt kêu cứu về chế độ làm việc hà khắc 12-15 giờ/ngày cùng cuộc sống sinh hoạt không đảm bảo, bữa ăn kham khổ, bị đối xử thô bạo, nhiều tháng liền không có lương...

 Sau khi cơ quan cảnh sát Nga vào cuộc khám xét nhà máy Vinastar, những công nhân có visa đã được đưa về Việt Nam.


Lao động VN trở về từ Nga được đưa đón bằng ô tô về quê.( Ảnh: Thanh niên)
Lao động VN trở về từ Nga được đưa đón bằng ô tô về quê.( Ảnh: Thanh niên)

Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước xác nhận, hiện còn một số lao động Việt Nam vẫn bị mắc kẹt ở trại tam giam thuộc cơ quan di trú Nga. Đây hầu hết là những lao động đi “chui” nên không có giấy tờ hợp lệ. Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành các thủ tục hành chính nhằm bảo lãnh, đưa số lao động này về nước.


Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Duy Thân Nhân, 32 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh - một trong những lao động đã làm việc tại xưởng may Vinastar (Nga) và may mắn “bị” trục xuất về nước cho biết, chị được đưa sang Nga lao động qua một doanh nghiệp (DN) tư nhân hoạt động trong trong lĩnh xuất khẩu lao động. DN này đã làm việc thẳng với phía chủ sử dụng lao động để đưa người sang chứ không qua cơ quan quản lý thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.


“Trước khi đi tôi phải nộp 600 USD tiền môi giới. Theo hợp đồng, tôi làm công nhân may 2 năm và nhận lương 700 USD/tháng. Tuy nhiên, sang đến nơi mới thấy cuộc sống thật khổ cực quá sức tưởng tượng, làm việc thâu đêm suốt sáng, ăn uống kham khổ và không được bước chân ra khỏi xưởng may. Cuộc sống như bị cầm tù, nhưng vì không có tiền bạc và giấy tờ tùy thân, lại có bảo vệ canh phòng nghiêm ngặt nên rất ít có cơ hội thoát ra bên ngoài. May mắn là sau 3 tuần, tôi bị trục xuất về nước và không được nhận lương” -  chị Nhân kể lại.


Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay đây là vụ việc rất phức tạp, cơ quan này đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các bên liên quan.

Theo Thanh Trầm

Dân Trí

uyenlt

Cùng chuyên mục
XEM