Vì sao nhân viên ngân hàng đua nhau bỏ việc để lập startup?

17/03/2015 14:40 PM | Nghề nghiệp

Hơn 1 nửa (khoảng 51%) nhân viên ngân hàng tại châu Âu đang nghĩ đến việc đổi nghề theo một nghiên cứu mới công bố vào năm nay của công ty Option.

Nội dung nổi bật:

- Đối diện với tàn tích của khủng hoảng, nhiều ngân hàng bao gồm cả UBS, Royal Bank of Scotland Group và Deutsche Bank đều phải cắt giảm việc làm và đóng cửa một số mảng kinh doanh, đặc biệt là giao dịch trái phiếu.

- Điều này khiến không ít nhân viên ngân hàng tính đến phương án bỏ việc.


Trong tháng 2/2012, đối diện với tàn tích của khủng hoảng tín dụng các nhà băng đã phải cắt giảm 230.000 việc làm. Stu Taylor – Giám đốc giao dịch toàn cầu tại UBS Group AG có trụ sở ở London đã ngay lập tức nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu nghỉ việc. Cuối cùng, ông đã bỏ vị trí với mức lương 7 con số, chấp nhận rủi ro và thành lập một công ty khởi nghiệp công nghệ.

Taylor cùng 3 cộng sự rơi vào cảnh “không lương” và thành lập nên Algomi – một nền tảng quản lý việc bán trái phiếu dành cho các thương nhân, giám đốc quản lý quỹ và các nhà đầu tư.

3 năm sau đó, Stu nói rằng sự đánh đổi dù khó khăn giữa việc từ bỏ công việc lương cao để nhận lại một phần nhỏ so với số đó thật sự rất đáng giá. “Tôi thích những gì mình đang làm, rất khác biệt và quan trọng nó là của tôi”.

Nhiều ngân hàng trong đó có cả UBS, Royal Bank of Scotland Group và Deutsche Bank đều phải cắt giảm việc làm và đóng cửa một số mảng kinh doanh, đặc biệt là giao dịch trái phiếu. Điều này khiến các cựu nhân viên ngân hàng lần lượt bỏ lĩnh vực tài chính và sử dụng kinh nghiệm của họ để dấn thân vào các lĩnh vực như công nghệ tài chính. Tận dụng sự thay đổi về môi trường pháp lý, họ thành lập nên những công ty cung cấp nền tảng quản lý rủi ro, phân tích dữ liệu, giao dịch – những công việc trước đây đều do con người thực hiện.

“7 trong số 10 cuộc hội thoại với các nhân viên ngân hàng đầu tư của tôi gần đây đều kết thúc bằng lời đề nghị lưu tâm giới thiệu cho họ một công việc trong lĩnh vực công nghệ”, Eric Anderson – chủ tịch công ty thực hành công nghệ tài chính Egon Zehnder International có trụ sở tại Atlanta nói. “Đây là một điều chưa từng xảy ra cách đây 5 năm”.

Ít người môi giới

Theo Cục thống kê Lao động Mỹ, Bắc Mỹ hiện có ít hơn 211.500 nhân viên môi giới trái phiếu, trong khi đó, con số tương tự trong lĩnh vực công nghệ phần mềm hay an ninh mạng lên tới 500.000. Thậm chí, rất nhiều vị trí trong số này không tồn tại khoảng 1 thập kỷ trước đó. Nhận định mới đây của McKinsey & Co vào tháng 12 cũng nói rằng, Mỹ hiện có hơn 12.000 công ty khởi nghiệp tập trung phục vụ các doanh nghiệp ngân hàng.

Tổng cộng theo dữ liệu của Bloomberg, 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ và Anh đã cắt giảm tới 350.000 việc làm kể từ 2008. Báo cáo hàng quý của Bloomberg Global Poll phát hành vào tháng 1 vừa qua cho thấy 83% người khảo sát đều nhận định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cắt giảm nhiều việc làm hơn nữa trong năm nay.

Theo suy nghĩ của Anderson thì: “Các ngân hàng đầu tư hiện đang di chuyển chậm chạp đến mức chúng ta có thể đạp đổ nó bất cứ lúc nào”.

Chuyển đổi thị trường

Mark Whitcroft – một công dân Anh 34 tuổi đã bỏ vị trí giám đốc mảng kinh doanh trái phiếu của ngân hàng Deutsche New York để trở thành lãnh đạo của Illuminate Finance Management – một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên cung cấp vốn cho những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ. Mục tiêu lớn nhất được đề trên website của công ty này là: “Chuyển đổi thị trường tài chính”.

“Với tôi, đây là cơ hội để thay đổi sự nghiệp. Sẽ tốt hơn nếu có cơ hội tạo ra sức ảnh hưởng tới một thứ hoàn toàn mới thay vì tiếp tục cống hiến cho những gì đang tồn tại ”.

Ngân hàng Deutsche đã cắt giảm lương và thu hẹp mảng kinh doanh tín dụng để tập trung cho chiến lược thắt lưng buộc bụng. 10 tháng sau khi Taylor rời UBS, ngân hàng Thụy Sỹ này đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm và thu hẹp một số mảng kinh doanh thương mại vốn phải  chịu rất nhiều quy định khắt khe.

Cân nhắc đổi nghề

Hơn 1 nửa (khoảng 51%) nhân viên tại các ngân hàng châu Âu đang nghĩ đến việc đổi nghề theo một nghiên cứu mới công bố vào năm nay của công ty Option. Khoảng 42% nhân viên tại các quỹ đầu tư có tài sản trên 5 tỷ USD cũng đang có cùng suy nghĩ này.

86% CEO ngân hàng được khảo sát bởi PwC đều cho rằng, nhiều cải tiến về công nghệ đã sẵn sàng mang đến những ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ thống ngân hàng. Trong tương lai, hơn 30% doanh thu của các ngân hàng châu Âu sẽ đến từ những giao dịch kỹ thuật số. Điều này đồng nghĩa với việc con người rất có thể sẽ được thay thế bằng máy móc.

Thậm chí, Anthony Lim – một chuyên viên tư vấn an ninh đến từ công ty International Information System Security Certification tại Singapore cho biết: “Bất kể quá trình nào có thể đong đếm hay hệ thống máy móc được, nó sẽ sớm được làm tự động”.

Bản thân các ngân hàng và công ty bảo mật đã chi khoảng 488 tỷ USD vào năm ngoái cho công nghệ thông tin, theo nghiên cứu của Gartner. Con số này có thể lên mức 500 tỷ USD trong năm nay, nhất là sau hàng loạt vụ rò rỉ thông tin do hacker xảy ra thời gian gần đây.

“Tiến bộ về công nghệ sẽ thay đổi mọi thứ. Đây sẽ thời gian tồi tệ nhất với những người chỉ có kỹ năng cơ bản bởi máy tính, robot và những công nghệ kỹ thuật số khác sẽ đảm đương tốt hơn”. Xu hướng này đang xuất hiện trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu mới của công ty đầu tư mạo hiểm CB Insights có trụ sở tại New York, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010 lên mức 13,7 tỷ USD. Những cựu nhân viên ngân hàng như Taylor coi bỏ việc như một thương vụ đầu tư. "Dù mất mát về tài chính nhưng đổi lại tôi được làm những gì mình yêu thích. Hy vọng rằng, nó có thể tạo ra lợi nhuận trong tương lai”.

>> Các ngân hàng đa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đang trong cơn bĩ cực?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM