Vì sao cử nhân Singapore rất khó tìm được một công việc lý tưởng?

28/10/2014 20:05 PM | Nghề nghiệp

Bằng đại học có thể không còn là tấm vé vàng để có một công việc lý tưởng ở Singapore, trong bối cảnh số lượng cử nhân ngày càng tăng và nền kinh tế thay đổi nhanh chóng.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore chạm mức 2% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng tháng 6, thấp hơn con số 6% trung bình toàn cầu vào năm 2013. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây lại cho thấy tình trạng thiếu việc làm ngày càng gia tăng.

Trong năm 2013, 2,3% sinh viên tốt nghiệp tại Singapore rơi vào tình trạng thất nghiệp  buộc phải làm việc với mức lương thấp, không đòi hỏi trình độ cao hoặc chỉ có thể tìm được việc làm bán thời gian. Tỷ lệ này cao hơn so với năm 2012 chỉ là 2,2%, theo Bộ Nhân lực quốc gia.

Vậy nguyên nhân là do đâu?

Sự biến động của nền kinh tế

Chính phủ Singapore phân trình độ chuyên môn ở nước này ra làm 5 cấp, theo đó, những người có trình độ cao nằm trong nhóm có tỷ lệ thất nghiệp tăng dần. Cụ thể, người ở độ tuổi trung niên có bằng cấp đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu việc làm, nhưng theo giáo sư Hui Weng Tat - giảng viên tại Trường chính sách Lý Quang Diệu thì cử nhân mới ra trường mới là yếu tố chính đưa tình trạng thiếu việc làm lên đến đỉnh điểm.

Những thay đổi trong nền kinh tế Singapore làm cho đòi hỏi của các nhà tuyển dụng cũng cao hơn. Họ yêu cầu kinh nghiệm làm việc, tri thức đa văn hóa, hợp tác kinh doanh, và kỹ năng giải quyết các vấn đề không được giảng dạy trong nhà trường. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc xin việc làm đối với sinh viên mới ra trường.

"Tiền lương ở Singapore rất cao và các công ty luôn tìm ra các giải pháp để giảm chi phí bằng cách thuê ngoài những chức vụ có giá trị gia tăng thấp. Thật không may, điều này có nghĩa là vai trò của sinh viên vừa tốt nghiệp có thể bị đánh giá thấp" - Emmanuel White - Giám đốc khu vực tại Hudson Singapore chia sẻ.

Bên cạnh đó, số người có bằng Đại học tại Singapore ngày một tăng, khiến cho sự cạnh tranh trong vấn đề tìm một việc làm là hết sức cam go. Trong nhóm các công dân có độ tuổi 25-34 tại Quốc đảo này đã có 51,1% có bằng đại học, theo số liệu năm 2013.

"Kết quả là một số sinh viên sau khi tốt nghiệp mất quá nhiều thời gian để tìm việc làm chính thức, hoặc phải làm công việc tạm thời", Mark Hall – Phó chủ tịch Kelly Services cho CNBC hay.

Cử nhân trẻ quá đề cao bản thân

"Nhiều ứng viên, đặc biệt là ở cấp độ sau đại học, chẳng những quan tâm đến tiền lương, họ còn kén chọn hơn về loại công ty hoặc thậm chí cả ngành công nghiệp mà họ quan tâm đến. Sinh viên mới tốt nghiệp thường thử vào nhiều vị trí khác nhau, rút được nhiều kinh nghiệm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho sự nghiệp lâu dài của họ", Hall cho biết.

Alan See, 26 tuổi với tấm bằng cử nhân ngành quảng cáo Anh ngữ là một ví dụ. Anh hiện thực tập tại một công ty quảng cáo trong nước và hy vọng kinh nghiệm nửa năm tại đây sẽ giúp anh tìm được một công việc chính thức. "Tôi phải làm việc vất vả nhưng chỉ nhận được 500 USD/tháng. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui. Là vì kiến thức chuyên môn của tôi được trau dồi mỗi ngày. Hy vọng đây sẽ là bàn đạp đưa tôi đến với ngành quảng cáo", anh nói.

Sự quan tâm của chính phủ

Sự chuyển dịch xu hướng tuyển dụng cũng đang là mối quan ngại của Chính phủ Singapore. Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Nhân lực Singapore, ông Tan Chuan-Jin cảnh báo rằng đất nước có thể rơi vào tình trạng "thừa giáo dục nhưng lại thiếu việc làm", điển hinh như Hàn Quốc và Đài Loan.

Tháng 8/2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh sự cấp bách của vấn đề "thay đổi văn hóa" trong các hoạt động tuyển dụng để tập trung vào các kỹ năng công nghiệp liên quan đến trình độ hơn.

Tuy nhiên, các số liệu gần đây cũng chưa chắc đã là tin xấu với Singapore, theo nhận định của một số chuyên gia. "Số liệu chỉ thay đổi một chút. Tôi không cảm thấy quá lo lắng về điều này", giáo sư Hui Weng Tat nói.

>> Tương lai robot sẽ ‘cướp’ hết việc làm của con người

Minh Trí

CTV Minh Trí

Cùng chuyên mục
XEM