Tỉnh táo trước lời hứa hão kiếm 40-50 triệu/tháng khi du học Nhật

13/07/2015 11:11 AM | Nghề nghiệp

Để có tiền thực hiện giấc mơ du học Nhật kiếm tiền tỷ nhiều gia đình phải vay chợ đen với lãi suất lên đến 36% - 72%/năm, đổi lại, thậm chí con em họ không kiếm nổi số tiền lãi cho khoản vay mà họ phải trả.

“Hợp đồng đi 3 năm, bỏ chồng bỏ con ở nhà sang đây 2 năm rồi vẫn không trả được hết nợ dù cày cuốc đến phát điên, ai đẩy tôi đến hoàn cảnh này đây”.

“Gấp!!Gấp!!! mọi người chia sẻ giúp em!!!! Cần mọi người tư vấn giùm em với ạ. Tình hình là bọn em đã nhập học tại trung tâm này từ tháng 8/2014. Đã đặt cọc 40 triệu. Bọn em đã kí hợp đồng và được công ty cho về chờ ngày bay vì học đủ 6 tháng. Đến gần ngày bay vẫn chưa có tư cách lưu trú. Sau đó công ty bảo hợp đồng bọn em là giả và đang lo hợp đồng khác. Nhưng bọn em không tin nữa, muốn rút lại tiền thì giám đốc công ty lấy cớ đang ở Nhật không chịu về gặp để giải quyết.”

Trên khắp các diễn đàn của người Việt Nam tại Nhật Bản, mỗi ngày người ta có thể thấy hàng chục các lời kêu cứu như trên. Những chuyến bay từ Việt Nam sang các sân bay Nhật hàng ngày đầy ắp du học sinh sang Nhật, phần đông trong số đó không có nhiều ý định học hành mà đi với mơ ước đổi đời. Nhưng đổi đời đâu chưa thấy, khi sang đến Nhật các em bị chính công ty gửi đi bỏ rơi, không có công ăn việc làm, không có nhà ở, nhiều em đã trở thành trộm cắp rồi bị bắt và trục xuất về nước khi mà gia đình còn gánh khoản nợ 200-300 triệu để đưa các em đi. Để có tiền thực hiện giấc mơ đổi đời nhiều gia đình phải vay chợ đen với lãi suất lên đến 36% đến 72%/năm.

Để có thể thu hút được nhiều du học sinh sang Nhật đến như vậy, các công ty du học trong nước đã vẽ ra viễn cảnh sang Nhật đi làm kiếm tiền từ 40 - 50 triệu đồng/tháng mà vẫn có thể duy trì tốt việc học. Có thể khẳng định khả năng kiếm được số tiền trên khi vẫn đang còn là sinh viên là không thể xảy ra, trừ trường hợp một số sinh viên đi làm quá giờ trái luật với sự thông đồng của chủ người Nhật. Nhưng tất cả những trường hợp này nếu bị phát hiện ra sẽ bị trục xuất về nước lập tức.

 

Vụ quỵt tiền của thực tập sinh đi xuất khẩu lao động hồi tháng 5/2015 tại Chi nhánh Công ty CP Cung ứng và Xuất nhập khẩu lao động Hàng không (Alsimexco) TP HCM (quận Tân Bình, TP HCM).

Với kinh nghiệm 2 năm sống, học tập và làm việc tại Nhật, tác giả xin đưa ra phân tích dưới đây sẽ làm rõ việc tại sao nếu tuân thủ đúng luật pháp, khả năng kiếm được 40 - 50 triệu khi vẫn đang còn là sinh viên là điều không tưởng. Sẽ rất sai lầm nếu sinh viên cố tình làm sai luật bởi cảnh sát hiện tại kiểm tra rất gắt gao hoạt động làm thêm của sinh viên, nếu sinh viên bị phát hiện làm việc trái luật, sinh viên sẽ có thể bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Nhật.

Chi phí cuộc sống

Chi phí cuộc sống trung bình tại Nhật như sau, ở đây sẽ dùng đơn vị man của Nhật. 1 man tương đương khoảng 1,8 triệu đồng Việt Nam theo tỷ giá hiện tại của ngân hàng Vietcombank.

Tiền thuê nhà + điện nước: 3,5 man/tháng

Tiền ăn: 2 man/tháng

Tiền tiêu vặt, tiền đi lại, tiền điện thoại: 2 man/tháng

Như vậy tổng số tiền chi phí cho cuộc sống cá nhân một tháng rơi vào khoảng 7,5 man tương đương khoảng 13,5 triệu đồng Việt Nam (con số sẽ tăng cao hơn đến 2 man nếu sống ở các đô thị lớn như Tokyo).

Mức lương kiếm được

Theo quy định của visa sinh viên tại Nhật, mỗi sinh viên chỉ được làm việc không quá 28 tiếng/tuần, tiền lương được trả qua ngân hàng và kiểm soát chặt chẽ, ngay cả giới chủ cũng không dám thuê sinh viên làm nhiều hơn bởi nếu bị phát hiện họ cũng sẽ bị phạt rất nặng.

Mức lương phổ biến dành cho các công việc bán thời gian cho mọi đối tượng hiện nay ở Nhật, trong đó có cả sinh viên, rơi vào khoảng từ 900 - 1000 yên, tuy nhiên rất ít sinh viên mới đi làm mà có được mức lương 1000 yên, nên trong bài viết sẽ lấy mức khởi điểm là 900 yên/giờ.

Đáng chú ý, không có điều gì đảm bảo mức lương sẽ tăng qua các năm, nó không được pháp luật quy định và ông chủ có quyền tăng hay không tăng. Nếu tăng, mức tăng hàng năm chỉ rơi vào khoảng 10 đến 20 yên/giờ. Cá biệt có không ít trường hợp mà người làm công làm đến 20 năm nhưng mức lương vẫn chỉ khoảng 920 yên/giờ vì ông chủ từ chối tăng lương.

Như vậy với mức lương 900 yên một giờ và một tuần làm 28 tiếng, số tiền kiếm được hàng tháng sẽ khoảng 10 man, tức khoảng 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đây cũng không phải số tiền mà sinh viên thực tế sẽ nhận được vì sẽ phải chịu một số khoản thuế, bảo hiểm và phí khác nữa. Ngay cả như vậy thì nếu tằn tiện chi tiêu, số tiền tiết kiệm được nếu làm đúng theo luật (để đảm bảo không bị coi là trái luật) cũng chỉ là 5,5 triệu đồng/tháng, một năm sinh viên sẽ tiết kiệm được tối đa 66 triệu đồng.

Hơn nữa, để kiếm được việc ngay khi mới sang Nhật không phải điều dễ dàng bởi yêu cầu về tiếng Nhật khá cao. Với cách học ngoại ngữ hiện tại ở Việt Nam thường chỉ chú ý nhiều vào đọc viết mà không xem trọng đúng mức về nghe nói thì sinh viên mới sang rất khó kiếm việc. Theo chia sẻ của những người đã làm việc ở Nhật lâu năm, trình độ tiếng Nhật cần đạt mức N3 và giao tiếp tốt mới có thể đảm bảo được công việc làm thêm ở Nhật để có được mức lương như đã để cập ở trên.

Thực tế hiện nay, không ít công ty du học trong nước đã sử dụng mọi mánh khóe để kiếm tiền từ những người trẻ có nhu cầu đi học. Để làm được điều này, không những họ lừa dối sinh viên và cha mẹ họ về viễn cảnh kiếm nhiều tiền ở Nhật, họ còn chấp nhận làm giả bằng cấp ba và bằng đại học, tổ chức những khóa dạy tiếng sơ đẳng trong vài tháng rồi đẩy sinh viên sang Nhật càng nhanh càng tốt, khi sinh viên sang đến nơi, lập tức họ mất liên lạc với công ty đã đưa mình sang.

Chính vì tình trạng này nhiều em đã lâm vào cảnh khốn cùng, quay về nước thì không có tiền mua vé về và về cũng chưa trả được mấy trăm triệu tiền nợ. Nhiều em đã trở thành trộm cắp, lừa đảo chính đồng bào của mình. Hiện tại ở Nhật, người Việt Nam đứng đầu về trộm cắp vặt và đứng thứ 2 về trộm cắp theo nhóm. Ngoài ra họ còn tham gia vào nhiều hoạt động phi pháp khác như chuyển tiền bất hợp pháp hoặc kinh doanh một số mặt hàng bị cấm theo pháp luật của Nhật.

Trên các diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Nhật đăng tải ảnh chụp rất nhiều tấm bảng nội quy và quy định tại Nhật được "ưu ái" dịch ra tiếng Việt như thế này.

Thiết nghĩ, một cái nhìn thực tế về nước Nhật, điều kiện sống, làm việc và học tập là điều cần thiết để nhiều người trẻ Việt Nam cân nhắc cẩn thận trước khi giao số tiền lớn mà để có được nó, gia đình có khi phải cầm cố cả nhà đất cho những công ty chỉ biết vì lợi nhuận cao cố tình mang lại những ảo tưởng cho sinh viên.

Minh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM