Thị trường ASEAN cho phép luân chuyển lao động

30/11/2015 21:15 PM | Nghề nghiệp

AEC cho phép luân chuyển lao động trong tám ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch... VN chủ động khai thác thị trường ASEAN thế nào?

Lãnh đạo các nước ASEAN vừa ký kết thành lập Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu phát triển cao hơn, bao gồm ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - an ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - xã hội (ASCC). Trong đó, AEC được quan tâm nhiều nhất bởi đây là nền tảng để kết nối các nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Hoàng Thái - vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương - giải thích:

- Mục tiêu cao nhất của AEC là tạo ra một không gian sản xuất chung, thống nhất, các nước dựa vào nhau cùng có thể tiến ra bên ngoài. Nếu chỉ dựa vào thị trường ASEAN để phát triển thì đến nay chưa quốc gia nào trong khối làm được.

Tỉ lệ thương mại nội khối ASEAN chỉ khoảng 24% trong khi Liên minh châu Âu lên đến 59% hay Khối thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) 40%. Cộng đồng ASEAN hình thành để các quốc gia dựa vào nhau, thành “một bó đũa” tạo nên sức mạnh chung.

Tiếng nói của một quốc gia sẽ không đủ mạnh bằng tiếng nói của một thị trường 600 triệu dân, GDP gần 3.000 tỉ USD. Hay nói cách khác, để cạnh tranh, các nước ASEAN không thể đứng một mình, kết nối trong ASEAN nhằm một mục đích lớn hơn là để cùng đi ra bên ngoài.

* Ông đang nói đến tính kết nối trong ASEAN, vậy sau ngày thành lập 31-12-2015, yếu tố này sẽ thay đổi như thế nào? Liệu thị trường có khác gì so với hiện nay?

- Sau cột mốc 2015, các nước tiếp tục rà soát lại mức độ cam kết trong AEC để hướng tới mức cao hơn, mở rộng phạm vi và tăng mức độ cam kết. Thực tế các cam kết trong AEC đã có lộ trình và đi trước từ lâu, VN hiện còn 7% các cam kết và sẽ thực hiện hết trong những năm tới.

Hiện về cơ bản, tiêu chuẩn hàng hóa, thuế quan trong AEC là cam kết cao nhất trong các hiệp định FTA mà VN đã tham gia.

Theo đó, VN phải cắt giảm thuế đối với những mặt hàng thường được loại trừ ra khỏi phạm vi các hiệp định FTA truyền thống như xăng dầu, thuốc lá. Chậm nhất tới năm 2018, VN phải xóa bỏ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá.

Cần nhìn nhận trình độ hội nhập của ASEAN yếu hơn so với các mô hình tương tự như EU hay NAFTA. Trong 12 mục tiêu của mô hình hội nhập, AEC không đặt ra mục tiêu có một biểu thuế chung, di chuyển tự do của lao động, hay đồng tiền chung, hay mua sắm chính phủ... vẫn còn nhiều hạng mục đặt mục tiêu nhưng chưa thực hiện được.

Chẳng hạn trong mô hình hội nhập của EU có đến 12 mục tiêu để thực hiện và họ đã, đang thực hiện được 11 mục tiêu. Còn AEC chỉ đặt ra bảy mục tiêu và mức hội nhập không sâu rộng bằng.

Chẳng hạn với lao động, trong EU người lao động nước này có thể tự do sang nước khác làm việc, trong khi với AEC chỉ dừng ở mức độ công nhận bằng cấp của nhau, không có chuyện người lao động nước này tự do sang nước khác, vẫn cần có giấy phép lao động trước khi sang làm việc ở nước khác.

Trên thực tế AEC chỉ cho phép luân chuyển lao động trong tám ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch, nghĩa là thừa nhận bằng cấp lao động trong các ngành nghề này chứ vẫn cần có “thẻ xanh” thì lao động mới được làm việc ở nước khác.

* Theo ông, với AEC, đâu là cơ hội kết nối khu vực của doanh nghiệp VN?

- Ban đầu chúng ta phải chấp nhận khả năng doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng của khu vực sẽ rất kém. Giai đoạn đầu, chuỗi cung ứng này thường chia ra hai khu vực khá rõ ràng là doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đó là vấn đề lớn. Các nước khác cũng phải trải qua những thách thức ban đầu như thế ngay cả với Thái Lan, Trung Quốc...

Tuy nhiên, khi đạt đến mức phát triển nhất định, có quy mô đủ lớn, các doanh nghiệp này sẽ tăng dần tính kết nối vào sản xuất chuỗi của khu vực. Muốn vậy, chúng ta cần một môi trường kinh doanh đủ tốt để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, ngoài ra chính doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động.

Giao lưu trực tuyến hiểu về Cộng đồng ASEAN

Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Người dân và các địa phương VN sẽ làm gì để cần kịp thời chuẩn bị, nắm bắt những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN sẽ đem lại, để có cuộc sống sung túc hơn?

Người lao động, nhà sản xuất... sẽ phải cạnh tranh như thế nào trong một môi trường thống nhất, tự do di chuyển lao động...?

Dựa trên nhu cầu hiểu biết về Cộng đồng ASEAN của người dân, trong tuần này báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng ASEAN: cơ hội đối với người Việt”. Khách mời dự kiến sẽ có lãnh đạo Bộ Ngoại giao VN và đại diện văn phòng Ủy ban Hợp tác quốc tế, Bộ Công thương.

Chúng tôi sẽ thông báo ngày giờ cụ thể sau để bạn đọc có thể sớm đặt câu hỏi cho các khách mời.

Theo NHƯ BÌNH thực hiện

Cùng chuyên mục
XEM