Nói gì về công ty cũ khi bạn ra đi?

01/07/2014 09:33 AM | Nghề nghiệp

Quá khứ là một phần thương hiệu cá nhân của chính bạn.Vì thế cho dù công ty cũ có những điểm không tốt, việc nói xấu công ty cũng chẳng khác gì “bôi đen” lên chính hồ sơ của mình.

CafeBiz xin gửi đến bạn đọc series "Nhà tuyển dụng nói gì?". Đây sẽ là những lời khuyên và chia sẻ thực tế từ những nhà tuyển dụng, rất hữu ích cho các ứng viên đang tìm việc/thay đổi công việc hoặc sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Bài viết tuần này được CafeBiz hợp tác với Mạng tuyển dụng Anphabe. Series "Nhà tuyển dụng nói gì?" sẽ ra mắt vào thứ 3 hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.



Một trong những câu hỏi "kinh điển" nhất nhà tuyển dụng sẽ dùng khi phỏng vấn nhân sự đó là "Lý do bạn rời khỏi công việc gần nhất?" hay "Môi trường làm việc ở công ty cũ của bạn như thế nào?". 

Một câu trả lời như thế nào sẽ làm đẹp lòng những nhà tuyển dụng? Và trong trường hợp bạn rời công ty cũ vì bạn cảm thấy nó quá tệ, bạn có nên nói thật về công ty cũ của mình?
 
Theo CEO Nguyễn Thị Việt Thanh của mạng tuyển dụng Anphabe, hãy luôn thành thực trước nhà tuyển dụng. Thế nhưng thế nào là thật, và chia sẻ thế nào để thông tin vừa có giá trị mà vẫn thể hiện tính chuyên nghiệp của mình thì không dễ.

"Có hai điều ứng viên cần ghi nhớ khi trả lời câu hỏi này:

Đầu tiên, quá khứ là một phần thương hiệu cá nhân của chính bạn.

Vì thế cho dù công ty cũ có những điểm không tốt, việc nói xấu công ty cũng chẳng khác gì “bôi đen” lên chính hồ sơ của mình. Suy cho cùng, công ty dù tốt đến mấy cũng có những điểm khiến bạn chưa hài lòng và ngược lại, công ty dù tệ đến mấy cũng có những điểm sáng nhất định.

Khi được hỏi nhận xét về công ty cũ, hãy bắt đầu với những ghi nhận về các hỗ trợ công ty đã dành cho mình và những gì bạn đã học hỏi được trong toàn bộ quá trình làm việc tại đây. Việc này không những giúp thống kê lại quá trình phát triển của chính mình mà còn khiến người nghe có ấn tượng tốt về bạn nhờ sự chuyên nghiệp và thái độ tích cực.

Thứ hai, nếu phải chia sẻ về những tồn tại của nơi làm việc cũ, hãy cố gắng khách quan và đưa ra những đóng góp chân thành như “Tôi nghĩ công ty sẽ hoạt động tốt hơn nếu…” thay vì chỉ vạch tội để thỏa mãn cảm xúc cá nhân. Nếu không, “thương hiệu bị ảnh hưởng” chính là bạn chứ không hẳn là công ty cũ.

Sẽ có rất nhiều người hỏi bạn về công ty cũ: Nhà tuyển dụng mới, bạn bè muốn chuyển việc hay trong nhiều trường hợp chính là các công ty cũ. Tôi luôn khuyến khích việc chia sẻ cởi mở về các trải nghiệm nghề nghiệp, vì việc đó rất hữu ích cho bạn, cho công ty và cho cả người muốn tìm hiểu thông tin.

Đặc biệt, nhận xét của bạn sẽ rất giá trị với các ứng viên đang tìm việc bởi đối với ứng viên, họ không có nguồn thông tin nào sinh động và đáng tin cậy bằng đánh giá của những nhân viên đã và đang làm việc tại công ty mà họ đang quan tâm. Ai cũng phải đi tìm việc ở công ty mới. 

Nếu bạn đã Gieo bằng những chia sẻ chân thành về công ty cũ cho người đến sau thì sẽ có lúc bạn Gặt được những thông tin hữu ích từ nguồn khác để có quyết định đúng đắn nhất cho sự nghiệp của mình."


Thanh Nguyễn

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM