Những "nghề muôn năm cũ" đầy thân thương nhưng ngày càng ít ỏi ở Sài Gòn

04/10/2015 20:29 PM | Nghề nghiệp

Những thập niên trước, nghề chụp ảnh dạo, viết thư tay, vẽ tranh,... từng một thời phát triển thịnh vượng, được nhiều người biết đến. Theo thời gian, người ta dần quên đi những con người đang cần mẫn bám lấy những nghề xưa cũ này.

Dạo một vòng quanh Sài Gòn, hay một con đường quen thuộc nào đó, bất chợt gặp lại những ký ức xưa, qua những con người cặm cụi làm nghề. Dù biết nhịp sống Sài Gòn ngày càng phát triển, trước sau gì những nghề này sẽ trở thành... dĩ vãng, nhưng ai cũng một lần nhoẻn miệng cười, vì thấy được cả tuổi thơ của mình trong đó.

Nghề bao tập sách

Nếu là học sinh của hơn 40 năm trước, không ai không biết đến nghề bao tập sách, cái thời mà khi gần đến ngày tựu trường, học sinh phải cùng nhau xếp thành hàng dài để chờ đến lượt bao tập. Những tưởng theo thời gian sẽ không còn ai nhớ tới những cuốn tập được ép nhựa bằng bàn là, thế nhưng ngày ngày ông Nguyễn Công Tín (hơn 60 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) vẫn âm thầm đợi khách.


Hiện nay, ông Tín làm việc để giúp ông sống với những kỷ niệm đẹp

Hiện nay, ông Tín làm việc để giúp ông sống với những kỷ niệm đẹp

Ở thời đại của những cuốn tập đã được bao đẹp đẽ từ trong nhà sách, thì sẽ chẳng ai đủ kiên nhẫn để ngồi chờ ông Tín bao từng cuốn tập. Nhưng từ năm 1976 đến nay, chỉ trừ 2 ngày giỗ và 3 ngày Tết, ông Tín luôn ngồi ở góc đường Lê Đại Hành (Q.11, TPHCM). Với ông Tín, chiếc bàn là con gà, cây thước gỗ, giấy bao,... đã quen thuộc, gắn bó nửa cuộc đời, nên cho dù căn nhà ông đang ngồi phía trước đã 4 lần thay chủ, nhưng ông vẫn "cắm rễ" với nghề.

Vào các nhà sách, tập vở đã được bao sẵn trên các kệ, không ai còn đủ kiên nhẫn ngồi đợi ông "nhóm lò" bao tập

Với mỗi cuốn tập được bao mất khoảng 5 phút, nên nghề bao sách thủ công như ông Tín dần rơi vào kỷ niệm

Tuy nhiên, rất nhiều người học trò của hơn 10 năm về trước vẫn thích mang sách đến nhờ ông Tín bao, để sống lại với những tháng năm đến trường đầy thân thương

"Hiện nay, một ngày có ba người đến bao tập thôi cũng đã là hạnh phúc, tôi ra đây vì vốn quen thuộc chỗ này, vốn thích nhìn những đứa học trò tay mang vở đến nhờ tôi giúp", ông Tín tâm sự.

Nghề viết thư thuê

Làm ngành bưu điện hàng chục năm, nên khi nhắc đến Bưu điện TP. HCM, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh ông lão viết thư thuê Dương Văn Ngộ (SN 1920) ngồi khiêm tốn ngay một góc bài chờ khách. Ông Ngộ luôn đúng giờ giấc, đều đặn 8h sáng đến 15h30 chiều mỗi ngày (trừ thứ 7, chủ nhật), ông đạp xe từ nhà ở Thị Nghè lên bưu điện.

Hơn 50 năm đến với nghề, ông Ngộ đùa rằng mình đã bị bám rễ vào Bưu điện TPHCM, không thể dứt ra được

Công việc chính của ông Ngộ là dịch thuật các văn bản chữ Pháp, hoặc chữ Anh, hay viết các địa chỉ nước ngoài lên bìa thư. Ngoài ra, ông kiêm luôn thông dịch viên điện thoại có bất kỳ ai nhờ gọi. Ông đã về hưu nhưng vẫn nhớ nghề nên ngày nào ông cũng ra bưu điện, ông thường nói vui: "Tôi đã gấp đôi tuổi về hưu, nhưng giờ các anh em làm chung lười quá, đi ngủ cả nên ông già này phải đi làm việc thôi. Tôi về hưu vài ngày lại phải đạp xe lên làm... mướn, ở nhà buồn và không tập thể dục được dễ bệnh lắm".

Ông Ngộ được xác lập kỷ lục là người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam

Ông Ngộ có một trí nhớ mà bất kỳ ai tiếp xúc cũng đều thán phục, bất kỳ điều gì liên quan đến Bưu điện TPHCM ông đều kể vánh vách, về lịch sử những tấm bản đồ, hai chiếc đồng hồ lớn, hay đơn giản từng ô gạch, chiếc cột. Thế nhưng, khi hỏi ông nhớ bức thư tay nào ông viết nhất, ông bảo không nhớ gì hết, làm người viết thuê nên quên ngay nội dung mình được thuê viết, vì chỉ có người đến thuê mới là chủ nhân của những con chữ trên đó, vì nhớ sẽ sinh nhiều chuyện.

Gắn bó với ông nhất tại Bưu điện TPHCM là anh bảo vệ tốt bụng luôn mang xách dùm ông Ngộ chiếc cặp hành nghề đầy ấp bao kỷ niệm

Hiện tại, mắt của ông Ngộ đã kém đi rất nhiều, ông không thể nhìn xa hơn nửa mét, Khi viết phải sử dụng chiếc kính lúp to đùng, nhưng ông chưa bao giờ viết nhầm cho một ai, vì theo ông người ta tin tưởng mình mới thuê viết, viết sai sẽ phụ lòng người ta. Từ ông Ngộ, không biết bao nhiêu bức thư tay đã đi đến toàn thế giới, còn ông vẫn lẳng lặng với nghề.

Nghề vẽ tranh truyền thần

Một trong những nghề hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn là vẽ tranh truyền thần. Trên góc nhỏ vỉa hè đường Điện Biên Phủ, ông Từ Hoa Lợi (77 tuổi, quê Quảng Ninh) vẫn miệt mài vẽ tranh cho khách. Ông Lợi được xem là người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.

Với những người tại Sài Gòn, hầu hết ai nhắc đến tranh truyền thần đều nghĩ đến ông Từ Hoa Lợi, mượn góc nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TPHCM) để vẽ nên biết bao ký ức

Ông Lợi gắn bó với nghề hơn 50 năm, trong đó có 23 năm vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 8h sáng đến 17h chiều, ông không từ chối bất kỳ ai đến nhờ vẽ, vì theo ông đó là cả những ký ức của mỗi người với giá từ 200.000 đến vài triệu đồng.

Ông vẽ không chỉ là chân dung, mà là thần thái của nhân vật, kỳ vọng của người tìm đến

Ông Lợi sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn học, nhưng hầu như gánh nặng cơm, áo, gạo tiền cuốn họ đi xa vì không thể kiên nhẫn ngồi vẽ chỉn chu từng nét bút.

Kỷ niệm mà ông Lợi nhớ nhất là khi một cụ ông 90 tuổi, nhờ ông vẽ người cha của mình. Ông không nỡ từ chối tấm chân tình cũng như sự hy vọng mà ông cụ đặt cả vào ông. Lúc này, mặc dù bối rối nhưng họa sĩ Từ Hoa Lợi nghĩ ra một cách là gọi 12 người con cháu của ông cụ lại để cụ chọn ra những người có đặc điểm giống nhất với người quá cố, sau đó ngồi nghe ông cụ kể lại thần thái cũng như tính cách nhân vật.

Một góc cổ xưa giữa Sài Gòn

“Khi tôi hoàn thành bức vẽ đó và trao cho ông cụ, ông ôm bức ảnh vào lòng, bật khóc như đứa trẻ lâu ngày gặp lại cha của mình, rồi luôn miệng cảm ơn tôi. Tự nhiên, nước mắt tôi tuôn trào, tôi không nghĩ cái nghề nhỏ này lại mang về một giá trị tinh thần lớn như thế", ông Lợi tâm sự.

Nghề đập tivi

Còn với bà Cao Thị Thủy (SN 1948, quê Tiền Giang) ngồi tại ngã tư đường Lý Thường Kiệt - Vĩnh Viễn (Q.10, TP. HCM) thì từ 20 năm qua bà không biết mình... đập hết bao nhiêu chiếc tivi, vì đây là công việc chính của bà.

Theo bà Thủy, nghề đập phá tivi thịnh hành khoảng 30 năm trước, khi người ta còn dùng tivi dạng thùng, bà đã hành nghề. Lúc đó bà được các sinh viên ở một trường cao đẳng nghề chỉ dạy. Đến nay bà Thủy rành về tất cả các loại tivi thùng, bà mua những tivi hư hỏng mang về tháo lắp, tận dụng những thiết bị còn sót lại bên trong, bán cho người cần với giá rẻ.

Nhờ nghề này, bà có thể nuôi hai người con của bà là anh Huỳnh Phương Tâm (SN 1980), người con út đột nhiên phát bệnh tâm thần, và người chồng bị tai nạn nằm liệt giường.

Với bà Thủy, còn tivi là bà còn... đập

Bà Thủy là một trong ba người còn sót lại của nghề... đập tivi

Ngày nay, khi tivi đã phát triển và rẻ hơn nhiều so với lúc trước, lại nhiều mẫu mã đẹp. Càng ngày, chiếc tivi càng được thiết kế gọn nhẹ nên nghề của bà Thủy dần đi vào dĩ vãng. Tuy nhiên hiện tại, còn tivi bà Thủy vẫn còn,... đập.

Nghề chụp ảnh dạo

Với những cái nghề gắn liền với công nghệ như chụp ảnh dạo, sửa chữa điện thoại, sửa máy tính,... dần đi vào lãng quên. Vì bây giờ, không khó cũng không quá đắt để sở hữu những chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh, quay phim,... Máy ảnh cũng đang dần ngang tầm với túi tiền người dân, khiến cho nghề chụp ảnh dạo trở nên xưa cũ.

Phương tiện ngày càng hiện đại, một chiếc máy ảnh giá bình dân vẫn có đầy đủ chức năng quay phim, chụp ảnh, vì vậy những người thợ chụp ảnh dạo ngày ngày chỉ đến những khu vực tham quan để ôn lại kỷ niệm xưa

Khu vực Nhà thờ Đức Bà, công viên,... lúc trước có rất nhiều thợ chụp ảnh dạo, những người thợ này rất được ưa chuộng khi cả gia đình đi du lịch, hay các cặp đôi lưu lại những kỷ niệm đẹp của mình. Tuy nhiên hiện tại, Nhà thờ Đức Bà còn chưa đến năm người theo nghề, sáng họ ra đây nhưng đến 9h đã trở về nhà.

Vì yêu nghề, muốn gắn bó với chiếc máy ảnh nên hầu hết những người thợ đều ra đây để ôn lại chuyện cũ, còn việc chụp được bao nhiêu khách đối với họ không còn quan trọng nữa.

Nhịp sống Sài Gòn ngày càng năng động, không biết bao nhiêu con người đến và đi, bao nhiêu người đã chuyển dần sang những nghề thích hợp hơn cho công việc mưu sinh. Những nghề xa xưa dần không chịu nổi sức ép của thời gian nên dần biến mất, nhưng đối với tấm lòng của những người trót đã yêu nghề, thì họ mãi làm nghề đến khi không còn sức, điều đó làm cho Sài Gòn trở nên khác biệt và thân thương đến lạ thường.

Theo Phạm An

Cùng chuyên mục
XEM