[NGHỀ CỦA TÔI] Vui buồn nghề "rung đùi là có tiền"

27/05/2015 09:24 AM | Nghề nghiệp

Có thể nói nghề may là sự kết hợp giữa các công thức tính toán với cái gu về mĩ thuật. Thế nhưng nhiều chị em lại cứ tưởng thợ may là… nhà ảo thuật, yêu cầu may được bộ đồ mà hô biến được mỡ bụng, tròng vào người là có eo thon dáng chuẩn.

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đang ở giai đoạn nước rút. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Vui buồn nghề 'rung đùi là có tiền'" của tác giả Bùi Thị Phương. Mời quý độc giả đón đọc.


Được mệnh danh là nghề “rung đùi cũng có tiền”, nhiều người cứ tưởng nghề may quần áo là nghề nhàn nhã, nhưng đúng là chỉ người trải nghiệm mới biết là “trong chăn có rận”. 

Là một người có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề may, nếm trải nhiều vui buồn trong nghề, xin kể chút chuyện cho bà con nghe chơi, để thấu hiểu và thông cảm cho cô thợ may “con dâu trăm họ”.

Để may được một bộ quần áo đẹp, người thợ may không đơn thuần chỉ theo công thức rập khuôn mà phải tính toán sao cho hợp với vóc dáng của khách hàng, có cách may thích hợp cho từng loại vải dày, vải mỏng. Có thể nói nghề may là sự kết hợp giữa các công thức tính toán với cái gu về mĩ thuật.

Thế nhưng nhiều chị em lại cứ tưởng thợ may là… nhà ảo thuật, yêu cầu may được bộ đồ mà hô biến được mỡ bụng, tròng vào người là có eo thon dáng chuẩn. Chưa kể mỗi khi dịp lễ tết hay trước mùa năm học mới, ai cũng muốn may cho mình hay cho con bộ quần áo, thế nên tui có khi đi chợ cũng phải… né mấy chị em đã đưa vải mà chưa may xong, điện thoại nhiều khi phải trốn như trốn nợ, lâm vào hoàn cảnh mùng một mùng hai tết mới may đồ mới cho con, cho mình là chuyện thường tình.

Khách hàng của những thợ may tại nhà thường là những người có dáng người khó chọn đồ vừa vặn hoặc muốn có bộ đồ theo thiết kế riêng cho mình, hay mua đồ không vừa ý nên muốn chế tác lại.

Do đặc thù nghề nghiệp nên nghề may tiếp xúc với nhiều loại người. Điển hình là nhà tui lâu lâu biến thành trung tâm văn hoá tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình. Nhiều mẹ nhiều chị tới lấy lí do sửa đồ là phụ, cái chính là tìm người tâm sự, tám chuyện, kể lể mẹ chồng con dâu… Thành ra chuyện đầu làng cuối ngõ, từ chuyện nhà A mới mua xe lên đời cho tới con chó nhà B bỗng dưng có dấu hiệu cảm ho sổ mũi là tui đều biết tuốt. Khách hàng cũng có người đáng yêu, đáng ghét.

Có chị tui ấn tượng hoài là chỉ may đồ có vải là hoa văn theo kiểu chấm bi, lúc thì nền trắng chấm bi đen, khi là nền đen chấm bi trắng, lâu lâu đổi màu một lần cũng là nền trắng chấm bi xanh. Còn có một chị U50 mà hay thích may đồ hoa văn màu mè theo mốt, cũng có chị “nghiện may quần áo”, trốn chồng có tiền là mua vải may, khiến chồng la bai bải.

Thế nhưng cũng có nhiều khách hàng khó tính, cò cưa giá cả, còn nói “Cái đó đưa tui đạp cũng được chút xíu là xong sao lấy mắc vậy”, nghĩ việc may cái áo là cắt cái lỗ đầu, lỗ tay chân rồi tròng vào người là xong. Buồn buồn thì may xong rồi để đó luôn không tới lấy, hay cứ yêu cầu bóp vào rồi lại nới ra, rồi lại bóp vào. Nói vậy thôi nhưng cũng phải chiều vì “khách hàng là thượng đế” mà.

Chưa kể đo quần áo cho ông chồng mà bà vợ đứng kế bên cũng phải cẩn thận, không khéo bị “đốt nhà” như chơi. Bản thân ông chồng tui cũng suốt ngày nhăn nhó do tui bận may đồ khách bỏ bê quần áo ổng, quần áo rách thì ổng phải tự vá.

Có chuyện vui thật 100% là cô bạn tui cũng làm nghề may, chồng làm thợ điện. Có lần chồng có quần rách túi nhờ cổ may mà cổ quên mất, kết quả là chồng leo cột điện mà ở dưới người ta cười rần rần do quần rách lộ quần đùi!

Thằng con tôi thì mỗi lần tôi gọi xuống nhà cũng bực mình la ó vì tôi hay lấy nó làm “ma nơ canh”, thử mấy bộ đầm của mấy chị quá gầy coi đường chỉ có êm không, may có vênh vẹo gì không.

Làm may lâu năm nên tôi còn có thêm bệnh nghề nghiệp, thấy ai lấy cái áo mình từng may dù cũ ra làm giẻ lau nhà tôi cũng sôi mặt sôi mày, hay đi đường cứ nhìn quần áo bên đường mà không chú ý đường đi, xem phim toàn để ý đến quần áo diễn viên, xem xong chả biết nội dung tới đâu.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nghề này giúp tôi rèn được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, thỉnh thoảng còn được con gái khen là mẹ rành mấy xu hướng quần áo để tư vấn cho con, chọn đồ không sợ lỗi mốt. Thỉnh thoảng tôi còn tự phối đồ, tái chế lại mấy quần áo cũ tạo ra kiểu không đụng hàng.Tuy nhiên, thời trang thay đổi xoành xoạch nên tôi cũng phải luôn học hỏi các kiểu may quần áo mới để may vừa lòng chị em.

Thế mới biết, nghề nào cũng có cái vui cái khổ riêng, tôi ghi mấy dòng này để mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn, đừng khó khăn quá với người làm dâu trăm họ như tui, dù sao thì khoảnh khắc tui vui nhất là khi các chị, các mẹ mặc bộ quần áo đẹp vừa vặn đó mà.

>> Các bài dự thi khác:

Nghề SEO: Thức trắng bao đêm để đưa website lên top đầu

Bác sĩ khoa tâm thần: Âm thanh vui vẻ từ những câu hát vu vơ của bệnh nhân

Vận động viên: Đằng sau tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

Tâm sự của một nhân viên bán hàng đa cấp

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Bùi Thị Phượng

Cùng chuyên mục
XEM