[NGHỀ CỦA TÔI] Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật

22/05/2015 20:00 PM | Nghề nghiệp

Cũng là nghề giáo nhưng không giống như những giáo viên hằng ngày lên lớp với bảng đen, phấn trắng, giáo án. Những giáo viên chọn con đường dạy trẻ khuyết tật vất vả hơn. Để đổi lấy một nụ cười của học trò là biết bao giọt mồ hôi đã âm thầm rơi …

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Giáo viên đặc biệt: Tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật" của tác giả Đặng Đức Lộc. Mời quý độc giả đón đọc.


Từ tình yêu với những trẻ khuyết tật

Tại trường đại học Sư Phạm TP.HCM, có một khoa được thành lập 10 năm nay. Điều đặc biệt, mỗi khóa học trường chỉ tuyển trên dưới 30 sinh viên và hầu hết đều là sinh viên nữ. Khoa giáo dục đặc biệt đã và đang đào tạo ra những “giáo viên đặc biệt”.

Đến với ngành giáo dục đặc biệt như “duyên phận”, từ chính tình yêu dành cho những em nhỏ khuyết tật ở quê mà nhiều bạn trẻ đã quyết định đến với nghề.

“Mình nhớ ở quê mình có một trường tình thương. Trong trường có các em khuyết tật về khiếm thính, tật vận động, kể cả những em thuộc gia đình khó khăn của huyện. Gần nhà mình có một cô giáo dạy ở đó nên thỉnh thoảng mình cũng được về đó chơi. Được tiếp xúc với những em khuyết tật, mình thấy rất thương nhưng lúc đó không làm được gì giúp các em. Rồi mình tìm hiểu và đến với ngành dạy cho trẻ khuyết tật”- bạn Nguyễn Thị Đỏ (Quảng Bình) sinh viên năm 3 của khoa chia sẻ.

Còn với bạn Phạm Thị Xuân (Hà Tĩnh): “Lúc đầu  đơn giản chỉ là mong muốn được nói chuyện thoải mái với đứa em ở gần nhà thôi, bé bị ngọng nói không rõ, với khả năng nghe kém. Đôi khi phải hét lên thì bé mới nghe được”

Nhớ lại lúc làm hồ sơ thi đại học, nhiều bạn chịu sự phản đối từ gia đình, bạn bè. Xuân chia sẻ: “Khi quyết định học ngành này thì gia đình tôi, bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng quanh tôi đều phản đối. Đơn giản họ sợ tôi sẽ khổ… ”. Nhưng Xuân và những người bạn của mình vẫn quyết tâm thi vào ngành này. “Tôi muốn mình làm điều mình yêu thích. Giờ đã là năm 3 rồi nhưng đôi khi mẹ gọi điện vào hỏi “đã hối hận chưa?”, mình vẫn trả lời với mẹ mình đã chọn đúng hướng đi”.

Những buổi học “đặc biệt”

Giáo dục đặc biệt là một ngành mới so với các ngành học khác nên những buổi học của “những giáo viên đặc biệt” có nhiều điều khác biệt. Những  ngày đầu nhập học với những cái tên môn học “lạ lùng” như: Tiếng việt giản yếu” (nhìn miệng để đoán chữ đó là chữ gì), Braille Việt Ngữ, rồi rất nhiều môn về tâm lí, sinh lí của trẻ em…

“Đôi lúc cứ nghĩ như mình học khoa sinh học vậy nào là giải phẫu, rồi thính giác, thị giác… Một học kì đầu khá bất ngờ và bỡ ngỡ, kết quả học không cao ”- Xuân chia sẻ.

“Trong một số môn kĩ năng riêng của chuyên ngành khiếm thị như: Chữ braille và abacus, định hướng di chuyển như tụi mình rất khó tiếp cận được vì không nằm trong hoàn cảnh của người khiếm thị nên rất khó. Hà và lớp phải cố gắng hết sức, luyện ngày luyện đêm mới qua được. Nhờ đó mà Hà cũng hiểu hơn về những khó khăn của học trò chuyên biệt  này”- Bạn Trần Thị Hoàng Hà chia sẻ.

Rồi những khó khăn về tài liệu học, là ngành mới so với những ngành học khác .Khó khăn lớn nhất gặp phải đó là thiếu tài liệu tham khảo, thiếu giáo trình. Đa số tài liệu tư liệu đều của nước ngoài nên rất khó để tiếp thu. Nhiều khi lên mạng kiếm tài liệu, trên mạng dịch nhưng không sát vào trọng tâm, chuyên môn nên dễ sai nên không dám áp dụng vào thực tế.

Và tình yêu cũng đã bắt đầu từ những dòng chữ nổi dành cho trẻ khiếm thị đến bàn tính của người xưa giúp trẻ học toán. Khi đã “ngấm nghề” mọi việc trở nên dễ hơn.

Tháng 3, cũng là lúc những “giáo viên đặc biệt” bước vào kì thực tập. Những khoa khác, sinh viên thực tập chỉ đến trường từ 2 đến 3 buổi trên 1 tuần. Nhưng riêng với những “cô giáo đặc biệt” thì đi cả tuần, mỗi tuần chỉ được nghỉ 1 buổi.

Buổi sáng, bắt đầu từ 7g30 đón trẻ ở trường và giúp trẻ tập thể dục. 8g lên lớp quan sát trẻ học văn hóa, học kĩ năng nghề nghiệp (toán, tiếng việt, vi tính, đi dã ngoại). Tới 11g trưa, những “giáo viên đặc biệt” giúp các trẻ làm vệ sinh cá nhân, ăn trưa. Tận tay cho các trẻ ăn trưa và làm vệ sinh. Khoảng 2g chiều vào lớp giúp cô làm vệ sinh cá nhân cho trẻ, giúp trẻ học (bơi, thể dục, thư viện, môi trường xung quanh, kỹ năng sống) giúp cho trẻ ăn chiều, chơi với trẻ , 4g trả trẻ về nhà.

Chia sẻ những niềm vui khi học ngành này, Hà cho biết có những niềm vui “rất đặc biệt”: “Đi thực tập mặc dù hơi mệt nhưng rất vui. Sáng tới trường đã được các em học sinh ra chào đón ở trước cổng. Những em bé rất tình cảm. thấy cô mệt, cô bệnh một xíu là chạy tới hỏi thăm, tới năn nỉ cô. Đứa này massage chân, đứa kia đấm lưng. Nhìn những động tác vụng về, mình thấy hạnh phúc thực sự”.

Với 4 năm “đào tạo đặc biệt” khoa đào tạo những nhà khoa học biết phương pháp đem đến cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ hơn cho người khuyết tật. Những bạn trẻ biết lắng lòng, đem tuổi trẻ, công sức, kiến thức của mình không phải để mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ, mà là đem đến ánh sáng cho trẻ mù, tiếng cười, kiến thức, đôi chân cho những cuộc đời khuyết tật khác.

Đặng Đức Lộc

>> Các bài dự thi khác:

Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

Nghề đòi nợ: Chớ đẩy con nợ vào đường cùng

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM