Lừa đảo tuyển dụng lao động xuất khẩu online

15/01/2013 11:54 AM | Nghề nghiệp

Hiện chưa có đơn vị nào được cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Angola, Algeri, song trên nhiều website vẫn đăng tuyển công nhân xây dựng sang 2 thị trường này, với thu nhập 1.200 USD mỗi tháng.

Trên một số website ghi rõ số lượng tuyển không hạn chế, chẳng cần trình độ vẫn có thể làm trong lĩnh vực xây dựng tại Angola, Algeri.

Hùng, một môi giới về xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh nói, công ty có đối tác ở thị trường châu Phi, nên khu vực nào có nhu cầu lao động phù hợp với người Việt, anh sẽ đưa thông tin lên trang web ngay. Việc tuyển người mở rộng trên toàn quốc, chứ không bó hẹp ở một vài địa phương.

Hùng cho hay từ tháng 6 đến nay, công ty đã đưa 200 lao động sang Angola, chủ yếu làm xây dựng, cơ khí. Mỗi tháng người lao động sẽ nhận lương 1.200 USD (bao gồm ăn và ở). Điều kiện tuyển là nam từ 18 đến 50 tuổi (tùy ngành nghề), sức khỏe tốt, thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài 8 giờ, được nghỉ phép, nghỉ ốm theo luật lao động Angola. Ngoài ra, quản lý nhóm là người Việt nên công nhân sẽ được "bảo vệ" nếu có vấn đề phát sinh.

Chi phí phải nộp cho công ty là 5.500 USD, đặt cọc trước 1.500 USD và hộ chiếu để lo các thủ tục visa. Theo Hùng, nếu người lao động sang được Angola, họ sẽ được trả lại tiền đã đặt cọc.

Hùng khoe: "Công ty đưa người sang Angola nhiều năm nay, hiện có khoảng 10.000 người lao động Việt Nam làm việc quanh thủ đô Luanda, Angola".

Phan, đại diện một công ty đưa người người lao động sang Algeri có trụ sở tại Hà Nội nói sắp đưa 40 người nữa qua Algeri. Công ty này cho biết đối tác Algeri sẽ qua tuyển trực tiếp người lao động.

Phan cho biết thủ đô Algeri đang có nhiều công trình xây dựng, chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc. Nhu cầu cần thợ xây dựng ở đất nước này còn nhiều. Người lao động muốn qua Algeria cần nộp 4.000 USD, đặt cọc trước 1.000 USD, bao gồm hộ chiếu để lo các thủ tục visa. Nếu lao động không đủ tiền vay thì có thể mang sổ đỏ căn nhà ra thế chấp ngân hàng, chứ đơn vị này không đồng ý cho nộp khoản phí đặt cọc theo từng đợt.

Thực tế, giữa người lao động và phía tự xưng là đại diện công ty đưa lao động sang Agola, Algeri làm việc không có mối ràng buộc nào về mặt trách nhiệm, mà chỉ dựa trên sự tin tưởng nhau nên rủi ro là điều không thể tránh khỏi.

Theo đó, người lao động chỉ cần gọi đến số điện thoại đăng trên một số website rao vặt có đăng thông tin xuất khẩu lao động. Sau đó, họ sẽ yêu cầu hộ chiếu, có giấy xác nhận của Sở Tư pháp địa phương. Khi người lao động có đầy đủ các thông tin trên, họ sẽ được gợi ý nộp tiền cọc (tùy thuộc vào thị trường) để bên tuyển dụng lo thị thực nhập cảnh. Nếu đồng ý, người lao động sẽ đến công ty tiến hành các thủ tục. Hoặc có trường hợp phía nước ngoài sẽ sang Việt Nam để tuyển lao động.

Trong trường hợp người lao động chấp nhận các yêu cầu phía môi giới sẽ được thông báo địa điểm để nộp ảnh, giấy tờ liên quan và đóng khoản phí còn lại cho bên môi giới nếu trúng tuyển. Điểm chung của các đường dây đưa người xuất khẩu lao động sang châu Phi, cụ thể Angola, Algeri đều yêu cầu người lao động phải chuyển khoản tiền đặt cọc vào tài khoản của chủ thẻ cá nhân, chứ không đại diện bởi công ty hay doanh nghiệp.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay đã cấp phép cho 170 doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang nước ngoài, trong đó chủ yếu là thị trường Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông… Còn đối với thị trường Angola, Algeri người lao động sang làm việc hầu hết theo hình thức cá nhân, chứ chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào chính thức được phép đưa lao động sang các nước này.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động nước ngoài, hiện một số cá nhân đội lốt doanh nghiệp để đứng ra tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau đó có mục đích chiếm dụng tiền. “Do đó, người lao động phải rất cảnh giác, chỉ nên tham khảo những thông tin chính thức tại hai trang web là dolabgov.vn và hotrolaodongngoainuoc.org”, lãnh đạo Cục cho biết.

Vị này cho hay, tất cả thông tin liên quan đến thị trường, hợp đồng xuất khẩu lao động được thẩm định, những điều kiện cần thiết, bổ túc kỹ năng nghề, giáo dục đào tạo, chi phí, danh sách các công ty xuất khẩu lao động… đều được thông tin công khai tại hai trang web trên.

“Bên cạnh đó, người lao động có thể tìm hiểu, tham khảo tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo phải báo với cơ quan quản lý và công an để kiểm tra và xử lý kịp thời theo quy định ”, vị này cho biết.

Đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội TP HCM cho biết do phản ánh thông tin kịp thời và ý thức người dân khá tốt nên tình trạng lừa lao động xuất khẩu chưa xảy ra. Tổng số lao động ở khu vực TP HCM đi làm việc ở nước ngoài năm 2012 là 5.800 người, còn năm 2011 là 7.000 người.

Từng đi hợp tác lao động ở Đài Loan 3 năm, chị Sen, quê ở Hà Tĩnh, hiện sống ở TP HCM tâm sự, dù biết có nhiều rủi ro, thông tin về nơi đến không nhiều, nhưng chị đã quyết mượn tiền người thân, bạn bè để gom đủ tiền nộp cho công ty giới thiệu việc làm.

"Việc bất đồng về ngôn ngữ đã khiến người lao động rất khó để thương lượng và thắc mắc mỗi khi công ty buộc tăng ca vào cuối tuần hoặc yêu cầu làm thêm ngoài giờ", chị Sen cho hay.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2012 là 80.320 người, không đạt được con số như mong đợi. Trong đó, thị trường Đài Loan 30.533 lao động, Hàn Quốc 9.228 lao động, Nhật Bản 8.775 lao động…

Theo Phương Mai – Nguyễn Hà
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM