Dự thảo Luật Việc làm: Vì sao không được chấp nhận?

16/10/2012 07:38 AM | Nghề nghiệp

Sáng 15.10, ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh - đã chủ trì hội thảo với đại diện UBND các quận, huyện, ngành, sở, khối, đoàn thể, các trường nghề... ở TP.Hồ Chí Minh để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Việc làm.

Đáng nói, qua các ý kiến tại hội thảo cho thấy: Dự thảo Luật Việc làm chủ yếu chỉ nhằm mục đích thao túng số tiền kết dư 14.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...    

Khó hiểu!

Dự thảo (DT) Luật Việc làm thoạt nhìn “khá đồ sộ”, bao gồm 9 chương, 112 điều với phạm vi rất rộng.
 
Nó điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội về việc làm bao gồm việc làm ở khu vực kết cấu và phi kết cấu, trong khi Bộ luật Lao động (BLLĐ) chỉ điều chỉnh nhóm có quan hệ lao động chiếm 33,8% tổng số LĐ cả nước (khoảng 15 triệu người). 

Do nhận thấy DT Luật Việc làm không thể “kham nổi” cái mà nó đặt ra, nên các ý kiến đều cho rằng luật này chỉ nên nhắm vào đối tượng ở khu vực phi kết cấu, còn nhóm LĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được điều chỉnh bởi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; và nhóm LĐ nước ngoài làm việc tại VN cũng đã được quy định trong BLLĐ. Hơn nữa, dù có đưa nhóm này vào DT Luật Việc làm cũng không phù hợp! 

Về chính sách phát triển việc làm (chương II), theo tờ trình của Chính phủ thì nội dung phát triển việc làm là cụ thể hóa các quy định về việc làm trong BLLĐ.
 
Thế nhưng, nội hàm về khái niệm “phát triển việc làm” trong DT luật dùng làm cơ sở xác định các chính sách cụ thể của chương này vẫn chưa được làm rõ, cụ thể: Những chính sách, chương trình phát triển việc làm thông qua chính sách phát triển kinh tế - xã hội (Điều 10), phát triển các ngành kinh tế (Điều 11), phát triển các vùng kinh tế (Điều 12) quy định còn rất chung chung. 

Các đại biểu cho rằng nên gom các nội dung này về phần chính sách nhà nước tại Điều 5 thì hơn. Chưa hết, hiện nay chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề là một trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội quyết định và đã được ghi nhận trong BLLĐ, nhưng trong DT Luật Việc làm lại ghi là chương trình quốc gia về việc làm do Chính phủ phê duyệt, đặc biệt không ai hiểu căn cứ cũng như mục tiêu của chương trình này là gì!
 
Riêng quỹ quốc gia về giải quyết việc làm được thành lập theo Nghị quyết số 120-HĐBT ngày 11.4.1992 của Hội đồng Bộ trưởng, đến năm 2002 đã chuyển thành chính sách tín dụng ưu đãi về việc làm –  một trong những hoạt động của Ngân hàng CSXH, nhưng DT luật vẫn nói đó là Quỹ Quốc gia về việc làm khiến nhiều người thấy khó hiểu.
 
 
Có một điều khó hiểu cực kỳ, đó là DT luật quy định tất cả mọi người cứ đến 15 tuổi phải ra UBND phường – xã đăng ký lao động. Thế nhưng, đăng ký để làm gì? Ai quản lý? Lấy kinh phí từ đâu chi cho hoạt động này thì... không ai biết!

Động cơ?

Dự thảo Luật Việc làm chưa vì người lao động. Ảnh: D.m.đ
Về phát triển kỹ năng nghề (chương V), là việc hoàn thiện khả năng làm việc của NLĐ trên cơ sở nghề đã được đào tạo hoặc tích lũy kinh nghiệm  nhằm giúp NLĐ nâng cao năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả SXKD.
 
Tuy nhiên, hiện nay xã hội ta  đang tồn tại tình trạng NLĐ được đào tạo cùng một trình độ, ngành, nghề hoặc cùng bằng cấp, chứng chỉ đào tạo nhưng kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc lại rất khác nhau do khả năng tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề khác nhau. 

Trong khi đó, cả nước hiện có 3.597 làng nghề, thu hút 30% lực lượng LĐ ở nông thôn, tạo việc làm cho 11 triệu NLĐ.
 
Phần lớn họ truyền nghề cho nhau từ đời này sang đời khác hoặc được truyền nghề, nâng cao tay nghề từ các nghệ nhân, người có trình độ tay nghề cao, thâm niên lâu năm... Nhà nước chỉ đóng góp một phần trong đào tạo nghề cho lực lượng lao động này.
 
Thế nhưng, DT luật này lại lấy nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong các điều 79, 80, 81, 82 của Luật Dạy nghề sang điều chỉnh trong Luật Việc làm là hết sức khập khiễng. 

Chỉ mãi đến khi đọc chương VIII về bảo hiểm việc làm, mọi người mới vỡ lẽ động cơ DT Luật Việc làm sao chép “lõm bõm” các đạo luật như BLLĐ, Luật BHXH, Luật Dạy nghề, Luật Đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài..., là để “che” cái mục đích chính là chuyển toàn bộ 14.000 tỉ đồng kết dư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sang cho Quỹ Bảo hiểm việc làm.
 
Từ những bất cập nói trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã rút dự thảo luật này không trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII như chương trình đã đề ra.
 
Theo Dương Bội Ngọc
Lao động

duchai

Cùng chuyên mục
XEM