Đổ xô học đại học, chỉ tốn tiền?

06/04/2015 15:33 PM | Nghề nghiệp

Tại nhiều nước trên thế giới, ai cũng coi việc học đại học như một tấm vé để có được công việc tử tế hay bước vào tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là khoản đầu tư sinh lời hay không?

Nội dung nổi bật:

- Mô hình đại học hiện đại như của Mỹ đang ngày một nhân rộng ra toàn thế giới.

- Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng chọn ứng viên tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng không phải bởi vì những gì họ được học mà bởi quá trình tuyển chọn gắt gao của những trường này.

- Các sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ đang cho thấy thành tích kém trong các đợt xếp hạng về giỏi toán quốc tế và khả năng viết. Trong khi đó, học phí đã tăng gần như gấp đôi (xét theo giá trị thực) trong vòng 20 năm qua.


“Kể từ khi Chúa đưa chúng ta đến New England an toàn và sau đó xây dựng nhà cửa, có trang thiết bị cần thiết cho cuộc sống, tạo dựng nơi sống thuận tiện, đặt nơi tôn thờ Chúa thì một trong những việc tiếp theo phải làm là cải thiện việc học và duy trì nó cho các thế hệ sau”. Đây là đoạn trích từ lá thư gọi vốn cho bậc đại học đầu tiên gửi từ trường Harvard tới Anh vào năm 1643.

Việc người Mỹ hào hứng với bậc đại học ngay từ sớm đã giúp hệ thống giáo dục của họ huy động được nguồn vốn lớn và tốt nhất thế giới. Không mấy ngạc nhiên khi những quốc gia khác đang bắt chước theo mô hình này. Tuy nhiên, một báo cáo đặc biệt mới được phát hành gần đây cho thấy dù hệ thống này đang ngày một mở rộng tại Mỹ nhưng có nhiều mối lo ngại cho rằng liệu khoản đầu tư này có đáng giá hay không?

Mô hình kết hợp giữa trường đại học như Oxbridge và Học viện nghiên cứu Đức đã được lập ra tại Mỹ và trở thành chuẩn mực cho toàn thế giới. Phổ cập giáo dục bậc cao bắt đầu tại Mỹ vào thế kỷ 19, lan rộng ra châu Âu và Đông Á vào thế kỷ 20. Hiện tại, dường như nó đang xảy ra ở mọi nơi, ngoại trừ khu vực cận Sahara tại châu Phi.

Tỷ lệ nhập học bậc đại học trên toàn cầu đã tăng từ 14% lên 32% trong 2 thập kỷ tính đến năm 2012. Việc nhập học vào các trường đại học thậm chí đang tăng nhanh hơn cả nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng cơ bản như ô tô. Sự khao khát bằng cấp này hoàn toàn có thể lý giải được. Ngày nay, ai cũng cần có một công việc tử tế và một tấm vé bước vào tầng lớp trung lưu.

Mô hình đại học hiện đại kiểu Mỹ đang được nhân rộng trên thế giới. Khi các chính trị gia nhận ra tầm quan trọng của “nền kinh tế hiểu biết”, họ tập trung nguồn lực công cộng cho một số trường hàng đầu nhằm cạnh tranh để tạo ra những đại học đẳng cấp thế giới.

Trên một vài phương diện, đây không phải là mục đích tồi. Những trường đại học tốt nhất luôn là nơi sản sinh ra những phát kiến giúp thế giới trở nên an toàn hơn, giàu có hơn và là một nơi thú vị hơn. Tuy nhiên, chi phí đang ngày một tăng lên. Các nước thuộc OECD đã dành 1,6% GDP cho giáo dục bậc cao so với 1,3% vào năm 2000. Nếu hình mẫu đại học kiểu Mỹ tiếp tục nhân rộng, thậm chí tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, riêng Mỹ đã dành 2,7% GDP cho giáo dục bậc cao.

Nếu Mỹ đang đi đúng hướng (tức là chi tiền đúng mục đích) cho giáo dục thì điều đó thật tốt. Về mặt nghiên cứu, điều này hoàn toàn đúng. Trong năm 2014, 19 trên tổng số 20 trường đại học sản sinh ra những nghiên cứu đỉnh cao nhất đều đến từ Mỹ. Tuy nhiên, về mặt giáo dục, bức tranh này kém khả quan hơn.

Các sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ đang cho thấy thành tích kém trong các đợt xếp hạng về giỏi toán quốc tế và khả năng viết. Trong một nghiên cứu gần đây về thành tích học tập, 45% số sinh viên ở Mỹ không đạt được thành tựu gì trong 2 năm đầu tiên đại học. Trong khi thành tích trung bình của sinh viên tốt nghiệp Mỹ thấp so với các nước khác và ngày càng sa sút thì học phí đã tăng gần như gấp đôi (xét theo giá trị thực) trong vòng 20 năm qua. Nợ sinh viên nước này hiện xấp xỉ 1,2 nghìn tỉ USD, cao hơn nợ cho vay mua ôtô và nợ thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa học đại học là một khoản đầu tư tồi với sinh viên. Bằng đại học tại Mỹ vẫn có tỷ lệ sinh lời cao, trung bình khoảng 15%. Tuy nhiên, vấn đề là liệu khoản đầu tư này có tạo ra lợi ích tốt cho toàn xã hội hay không? Nếu bạn tốt nghiệp đại học, sau khi ra trường kiếm được nhiều tiền hơn so với người không đi học thì hiển nhiên nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy các nhà tuyển dụng chọn ứng viên tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng không phải bởi vì những gì họ được học mà bởi quá trình tuyển chọn gắt gao của những trường này. Nói cách khác, nhà tuyển dụng dường như đang thông qua các trường học danh tiếng để tìm ứng viên nào thông minh hơn cho công ty họ, chứ không phải vì kiến thức mà sinh viên học được. Còn đối với sinh viên, họ có thể đã trả một số tiền rất lớn chỉ để trải qua một cơ chế sàng lọc đầu vào rất tỉ mỉ.

Vậy lý do gì khiến những trường đại học như trên vẫn tồn tại? Có lẽ chính là bởi thị trường việc làm luôn muốn những ứng viên có trình độ học vấn cao hơn. Chính phủ thì luôn trân trọng nghiên cứu của những trường đại học hàng đầu. Bản thân sinh viên thì muốn có được tấm bằng từ một trường danh tiếng để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Trong khi đó nhà tuyển dụng lại cũng thích thú với những ứng viên đến từ các trường hàng đầu. 

Thực tế chưa có bất kỳ thước đo nào để đánh giá liệu một trường đại học có thực sự đào tạo ra người giỏi hay không. Những bài kiểm tra chung dành cho sinh viên bên cạnh bài thi cuối kỳ có thể cung cấp phương pháp so sánh chất lượng giáo dục tại các trường đại học. Từ đó, sinh viên có thể nhận thức được rõ hơn đâu là nơi dạy tốt. Phía nhà trường cũng có động cơ để cải thiện chất lượng dạy và sử dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí. Trong khi đó chính phủ cũng hiểu rõ hơn về việc liệu xã hội nên đầu tư nhiều hay ít hơn vào giáo dục bậc cao.

Quả thực để so sánh, đánh giá chất lượng các trường đại học là không hề đơn giản. Rất nhiều nơi đang cố gắng tìm cách đánh giá đầu ra giáo dục. Thực tế một vài hệ thống đại học công tại Mỹ đã thực hiện bài kiểm tra chung khi tốt nghiệp đại học. Đây là những bước đi đúng đắn và thực sự cần được ủng hộ bởi chính phủ các nước. Mô hình đại học như của Mỹ chỉ mang lại lợi ích cho xã hội nếu sinh viên được trang bị những kiến thức cần thiết. Nếu không, đây sẽ là việc làm thực sự lãng phí tiền bạc.

>> Có bằng đại học thôi chưa đủ!

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM