[Chuyện nghề] Vẽ tranh 3D: Lãng mạn nghệ thuật và kiếm tiền là hai phạm trù tách biệt nhau

27/11/2014 08:56 AM | Nghề nghiệp

Mê vẽ từ khi mới chập chững, tôi theo học Đại học khoa quy hoạch kiến trúc. Và cũng như bất kỳ một sinh viên mới ra trường nào, tôi gặp khó khăn trong việc biến niềm đam mê của mình trở thành một công cụ kiếm sống.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê con đường khởi nghiệp để xây dựng sự nghiệp cho mình. Tuy nhiên, chính xác khởi nghiệp là làm gì? Tại sao tôi nên bắt đầu là ngành này mà không phải là ngành kia? Để cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn, chúng tôi xin chia sẻ tâm sự của Nguyễn Việt Dũng (biệt danh Dũng Joon), người cũng dấn thân vào con đường khởi nghiệp với một lĩnh vực rất mới mẻ: vẽ tranh 3D.


Tôi là Nguyễn Việt Dũng, biệt danh Dũng Joon.

Mê vẽ từ khi mới chập chững, Tôi theo học Đại học khoa quy hoạch kiến trúc. Và cũng như bất kỳ một sinh viên mới ra trường nào, tôi gặp khó khăn trong việc biến niềm đam mê của mình trở thành một công cụ kiếm sống.

Ai cũng bảo kiến trúc sư thường lãng mạn.  Tuy nhiên, lãng mạn nghệ thuật và kiếm tiền có lẽ là hai phạm trù tách biệt nhau, nhất là với một sinh viên mới ra trường. Với tôi, bất cứ thứ gì tôi làm phải được quy ra sản phẩm, và sản phẩm được quy ra tiền.

Sau khi ra trường, tôi bắt đầu nộp hồ sơ cho nhiều công ty khác nhau, chủ yếu là các công ty kiến trúc xây dựng. Mục đích của tôi là tìm hiểu xem làm sao để xây dựng nên một căn nhà và nó không bị sập. Những điều cơ bản mà trường đại học không dạy tôi.

2 năm đi làm thuê, tôi tranh thủ học thêm được rất nhiều điều về thiết kế đồ họa, nội dung, mỹ thuật,… Những kỹ năng đi liền với những công việc tôi phải làm để tăng thêm thu nhập, bên cạnh mức lương “bèo bọt” cho sinh viên mới ra trường. Tình cờ tôi được làm quen với một loại hình vẽ tranh mới: tranh 3D.

Tôi bắt đầu vẽ tranh 3D vào năm 2006, trong một chương trình dạy vẽ sáng tạo cho trẻ em được phát sóng trên VTV2. Thời điểm đó, tranh 3D vẫn còn là một khái niệm mới lạ tại Việt Nam.

Thậm chí lúc đó tôi còn chưa vẽ tranh tường bao giờ. Những bước đi ban đầu của tôi hoàn toàn là mò mẫm. Vì thế, thời gian đầu tôi cần tới 3 ngày mới vẽ xong một bức tranh 3D trên mặt đất. Tôi từng phải vẽ lại từ đầu một bức tranh vì đang vẽ thì trời đột ngột đổ mưa, sơn chưa kịp khô nên bị cuốn trôi hết. May mắn là khách hàng không phàn nàn gì về sản phẩm đầu tay của tôi.

Con đường khởi nghiệp ban đầu lúc nào cũng gian nan

Tôi dần nhận ra vẽ tranh 3D không quá khó. Điều quan trọng là phải tuân theo một trình tự cụ thể. Công ty tôi đang làm việc cũng nhận ra tiềm năng của tranh 3D, và họ bắt đầu mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ mới mẻ này.

Tuy nhiên, trong 2 năm, công ty chỉ kiếm được 2 - 3 hợp đồng liên quan đến tranh 3D. Tuy rất tâm huyết với "mặt hàng" của tôi, nhưng một phần vì mọi người không có chuyên môn về hội hoạ, một phần vì cũng còn rất nhiều đối tượng khách hàng khác nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hầu hết khách hàng chưa nhận ra lợi ích của việc sử dụng tranh 3D trong chiến dịch tiếp thị của mình, còn những khách hàng cá nhân cũng không nghĩ nó thích hợp để bài trí cho căn nhà của họ.

Nhưng tôi không thể đổ lỗi cho khách hàng. Vấn đề nằm ở nơi tôi đang làm việc. Họ chưa thể cho khách hàng thấy tranh 3D có lợi như thế nào.

Vì thế, sau 3 năm làm thuê, tôi quyết định tách ra thành lập một công ty riêng chuyên về vẽ tranh 3D. Việc tách ra giúp tôi quảng bá cho sản phẩm của mình đúng cách hơn. Tôi giải thích cho khách hàng thấy, với tranh 3D, tôi có thể khiến khách hàng hào hứng "khoe" những tấm hình họ chụp với logo của công ty họ trên facebook cá nhân.

Với một chút kỹ năng diễn giải tôi học được từ hồi còn dạy vẽ cho trẻ em trên TV, tôi đã thành công trong việc thuyết phục khách hàng. Tôi bắt đầu mang về những hợp đồng lớn với doanh nghiệp có tiếng kể từ năm 2010.

May mắn là thời điểm đó trào lưu tranh 3D cũng bắt đầu nở rộ ở Việt Nam. Sau 2 năm, tôi đã có những hợp đồng tương đối tốt, từ vài chục đến một trăm triệu đồng.

Tôi không định vẽ tranh 3D suốt đời. Bởi cũng như những loại hình khác, tôi không cho rằng trào lưu này sẽ tồn tại mãi mãi. Tương lai có thể là gì? Tranh siêu thực? Ai mà biết được. Bên cạnh vẽ tranh, tôi còn là ca sĩ trong một ban nhạc nữa. Biết đâu sau này tôi sẽ theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Nhưng nhìn chung, với những kiến thức về quản trị tôi học được giúp tôi có sự tự tin với những ngành nghề trong tương lai.

Thời mới tốt nghiệp đại học, tôi không làm một mình mà hay làm cùng với một người bạn chơi từ thời học cấp 2. Hai đứa từng có ý tưởng lập công y với nhau. Nhưng rút cuộc cậu ta cũng chỉ đi cùng tôi ở một vài dự án đầu tiên. Người bạn của tôi đã không cùng theo đuổi con đường này cùng tôi lâu dài mà rẽ sang một hướng đi khác phù hợp với bản thân tại thời điểm đó. Đôi khi chúng tôi vẫn suýt xoa vì đã không thể đi cùng với nhau lâu hơn.

Mỗi người có một lựa chọn riêng và tôi tôn trọng điều đó.  Đối với tôi, đường tới thành công là một quãng đường với độ dài không đổi. Nếu bây giờ tôi càng cố gắng, càng giải quyết được nhiều việc, thì thời gian tôi hoàn thành quãng đường đấy sẽ ngày càng ngắn lại. Và tôi sẽ tiến tới thành công nhanh hơn.

>> [Chuyện nghề] 'Thầy ước rằng tất cả học sinh trên đất nước Việt Nam đều được đến trường'

Lam Nguyên (ghi)

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM