[Chuyện nghề] Người gìn giữ nén hương Việt

12/02/2015 09:32 AM | Nghề nghiệp

Đối với tôi, tiêu chuẩn của 1 nén hương là phải thơm, nhưng thơm không phải sực nức mà phải thơm thật dịu dàng, tinh tế, thanh khiết và an lạc.

Tôi tên là Trần Phương Anh,  34 tuổi, là một cựu sinh viên Đại học Ngoại thương. Trong thời gian đi làm trong nước, tôi kết hợp với việc nghiên cứu cách làm ra những loại hương cổ truyền của dân tộc. Năm 2008, khi đã thuần thục trong việc phục chế lại đa số các loại hương cổ truyền, tôi quyết định nghỉ làm, rồi một mình thành lập nên hương Phụng Nghi.


Tại sao tôi lại chọn những nén hương, có lẽ là do duyên số.

Tôi còn nhớ, trong một lần trở về quê hương Thái Bình,  tôi có dịp tới thăm chùa Keo. Ở đó, tôi bắt gặp một nén hương rất thuần khiết, thanh tịnh. Thầy trụ trì ngôi chùa cho tôi biết đây là công thức hương có từ rất lâu đời ở chùa Keo. Nhờ thầy hướng dẫn, tôi cũng biết thêm một chút về nghệ thuật làm hương truyền thống. Sau nén hương chùa Keo tôi bắt đầu đi tìm hiểu,  rồi nhận thấy rằng ở Hội An - Đà Nẵng nén hương lại khác, Sài Gòn khác, Bắc Ninh lại khác…

Đầu tiên, tôi cũng có suy nghĩ giống rất nhiều người, “nén hương chỉ là nén hương thôi mà, ở đâu chẳng như nhau”. Tuy nhiên, khi có dịp đi nhiều nơi và tìm hiểu kỹ tôi nhận ra rằng, càng khám phá càng thấy văn hóa tâm linh ở Việt Nam rất đa dạng, cộng với đó là nén hương truyền thống cũng rất đa dạng ở các vùng miền khác nhau.

Nguyên liệu chính để làm nên cây hương là từ thảo mộc. Thời xa xưa, chỉ đất Thăng Long mới có văn hóa trầm hương, vì tầng lớp quý tộc đều tập trung ở đây cả. Còn ở các vùng quê,  nông dân nghèo lấy đâu ra Trầm mà dùng. Vì vậy, người ta lại tìm những loại thảo mộc ở ruộng, vườn, hay ở rừng, ở núi… về làm nguyên liệu cho nén hương.

Cũng bởi lẽ đó mà tuy chỉ một nén hương thôi thực ra lại rất đa dạng, ở mỗi vùng miền lại có một mùi hương đặc trưng khác nhau.  Đến nay, tôi đã phục dựng được 10 công thức hương cổ truyền. Có những loại công thức chế biến tuy giống nhau nhưng tỷ lệ nguyên liệu và chất lượng thảo mộc lại khác nhau.

Để xin được công thức làm hương không phải là điều dễ dàng.Tôi phải cất công tìm đến tận nơi, xin được vào làm cùng, ăn cùng, ngủ cùng những gia đình làm hương nổi tiếng. Trong quá trình làm việc, tôi hỏi han, tìm hiểu rồi dần dần đúc kết ra được công thức làm hương chuẩn xác nhất.

Đối với loại hương quý hiếm như trầm hương, ngoài việc tìm ra công thức tôi cũng phải đến tận nơi hỏi các nhà khoa học để biết được lấy nguyên liệu ở đâu tốt, mùa nào tốt, còn giống nào tốt hơn nữa. Bởi vì trầm hương không chỉ có một mà có nhiều loại giống khác nhau. Hương bài cũng vậy , hương bài nếp rất thơm nhưng rất khó trồng ở vùng đất cằn cỗi, hương bài tẻ thì khỏe mạnh hơn, sản lượng cao hơn nhưng lại không thơm bằng.

Không phải loại thảo mộc nào khi được trồng bất cứ nơi đâu cũng cho mùi hương như nhau, do đó mỗi nguyên liệu tôi lại phải lấy ở một nơi khác nhau. Như trầm hương tôi lấy ở Miền trung, hương bài ở Đông triều, hoa hồi ở Lạng Sơn… tính ra cũng phải hơn 10 vùng.

Thông thường người ta mua tăm hương (chân hương) được bán sẵn, tôi thì tự làm thủ công. Phần gốc của cây tre, cây vầu được chẻ bằng tay, và chỉ lấy phần vỏ cật, phần còn lại không sử dụng được tôi bán cho người ta làm giàn giáo. Việc chẻ bằng tay khiến tăm hương có hình vuông, xấu và không mượt mà như loại tăm hương được chẻ bằng máy.

Thay vì ngâm tăm hương xuống sông hay ao hồ, tôi tự ngâm trong bể, cứ khoảng 3 ngày tôi tháo nước đi 1 lần, tăm hương sẽ không có mùi hôi của tre vầu ngâm. Như vậy nén hương sẽ thanh tịnh hơn, tôi cảm thấy đúng với tấm lòng của mình hơn.

Đối với tôi, tiêu chuẩn của một nén hương là phải thơm, nhưng thơm không phải sực nức mà phải thơm thật dịu dàng, tinh tế, thanh khiết và an lạc. Điều này cũng giống như khi đứng trong một vườn hoa thì khác, mà đứng trong một căn phòng đầy mùi hóa chất thì lại khác.

Khác với hương có nhiều hóa chất, một nén hương truyền thống phải cháy lâu và ít khói. Vì nguyên liệu chính từ thảo mộc, nên nén hương truyền thống tuy có cùng chiều dài với các nén hương khác nhưng cháy được lâu hơn 3 đến 4 lần. Cũng chính vì vậy, mà nén hương tôi làm ra quấn tàn rất kém, chỉ được khoảng 30% so với các loại hương có chứa nhiều hóa chất.

Khi thắp nén hương lên là hướng tới sự tĩnh tại, vì vậy một nén hương cháy chậm sẽ mang lại sự cân bằng trong căn phòng. Một nén hương truyền thống làm từ thảo mộc, cho dù có thắp nhiều cũng không cay mắt mệt mỏi, thắp ít cũng cảm thấy mãn nguyện thư thái trong tâm hồn.  Nén hương mang tới cho tâm hồn sự thanh tịnh bình yên.

“Giữa dòng đời tấp nập, nén hương mang lại cảm giác bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Giữa không gian thanh tịnh, nén hương rửa sạch bụi trần, làm tâm hồn an lạc thanh khiết.”

Giá trị của nén hương theo suy nghĩ của tôi, như một sợi dây vô hình, là sự kết nối giữa những người đã khuất và người còn sống. Tôi cho rằng giá trị đó còn cao hơn việc đi cầu xin, để được lợi này lợi kia.

Giá trị của nén hương còn là ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, thể hiện đạo lý làm người, tưởng nhớ tới công ơn sinh thành của tiên tổ.

Để thưởng thức một nén hương thì tấm lòng mình phải mở ra, nén hương nó chỉ thơm nhất khi tâm hồn mình thanh tịnh, cần một sự tĩnh tại an lạc trong tâm hồn thì mới thưởng thức được. Tôi gọi đó là “lắng nghe” làn hương thơm. Việt Nam ít người có suy nghĩ ấy, chúng ta mới chỉ là ngửi thôi.

Thế nào là sự lắng nghe? Đó là khi bằng ý nghĩ và hơi thở có thể cảm nhận được các vị hương thơm dịu dàng lan tỏa xung quanh mình, trong một không gian u tịch, tĩnh lặng, tĩnh lặng đến mức có thể lắng nghe được những làn hương thơm đưa tâm hồn phiêu diêu tới những phương trời viễn mộng. Thưởng hương bằng tất cả các giác quan, và bằng cả tâm hồn nữa. Một nghệ thuật thưởng lãm tinh tế và thanh cao.

Lúc đó mới là giác ngộ thật sự, và cũng chính là khoảnh khắc thiêng liêng Giao hòa huyền diệu giữa Trời, Đất và Người…

>> Nén nhang cổ truyền Việt Nam được làm ra như thế nào?

Lam Nguyên

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM