50% số người xin việc vào Nhà nước phải đưa tiền "lót tay"

15/04/2015 11:23 AM | Nghề nghiệp

Ở trường học, phụ huynh phải "bồi dưỡng" cho thầy cô. Đến khi xin việc, phải "lót tay" để được vào làm tại cơ quan Nhà nước.

Mới đây, chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, tình hình tham nhũng không tệ hơn song hiệu quả kiểm soát tham nhũng cũng không được cải thiện đáng kể.

Từ trải nghiệm cá nhân của người dân, tỉ lệ người dân phải đưa hối lộ mới được việc ở cơ quan công quyền không suy giảm.

Thậm chí, cảm nhận của người dân về những hiện tượng tham nhũng trong khu vực công, dường như mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh gia tăng so với những năm trước. Tỉ lệ người dân cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại ở cấp chính quyền địa phương, trong một số dịch vụ hành chính công và dịch vụ công căn bản có xu hướng gia tăng.

Hiện tượng phải đưa ‘lót tay’ để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, khi có tới 49% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống.

Picture 1

Gần 50% số người được hỏi cho biết phải "lót tay" mới xin được việc vào cơ quan Nhà nước

Trong một số vấn đề nhạy cảm như xin giấy tờ nhà đất hay tới bệnh viện, tình trạng người dân “buộc phải lót tay”, bồi dưỡng thêm hay chi trả các khoản ngoài quy định không giảm so với năm 2012, năm đầu tiên những dữ liệu này được công bố.

Năm 2014, 24% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được khảo sát cho biết, họ phải chi trả thêm các khoản “ngoài quy định” để nhận được kết quả. Tương tự, để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 12% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế.

Ở trường tiểu học, để con em nhận được sự quan tâm của giáo viên, có tới 30% số phụ huynh cho biết họ phải ‘bồi dưỡng thêm. Tất cả những con số này cho thấy xu hướng gia tăng hiện tượng tham nhũng vặt so với các tỉ lệ tương ứng trong năm 2012.

Picture 2

Ngoài ra, báo cáo của PAPI cũng chỉ ra vài điểm sáng trong công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam. Chẳng hạn, 39% số người được hỏi cho rằng cán bộ chính quyền tỉnh/thành phố nơi họ sinh sống đã nghiêm túc trong đấu tranh chống tham nhũng, cao hơn so với năm 2012.

PAPI là kết quả nghiên cứu chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ và UNDP đồng tài trợ cho nghiên cứu xây dựng chỉ số PAPI từ năm 2011 đến nay.

Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung, bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công.

Từ năm 2011 đến nay, khảo sát PAPI được thực hiện thường niên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2014 tổng hợp ý kiến của hơn 13.500 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên toàn quốc.

>> Xin việc vào cơ quan Nhà nước, tỉ lệ tham nhũng, hối lộ cao nhất

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM