48.303 lao động “nhảy việc” hưởng thất nghiệp 313 tỉ đồng

27/12/2012 14:08 PM | Nghề nghiệp

Ở tỉnh Bình Dương, tình trạng “nhảy việc” trong giới công nhân lao động để được nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp đang diễn ra khá tràn lan.


Ngày 26.12, Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương thông báo một con số giật mình, trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh có đến 48.303 người lao động thất nghiệp và đã được Bảo hiểm xã hội thực hiện hồ sơ chi trả số tiền thất nghiệp lên đến 313 tỉ đồng. 

“Nhảy việc” gây biến động quá lớn

Năm 2012, số lao động được giải quyết việc làm mới ở Bình Dương đạt con số 45.000 lao động. Tuy nhiên, cùng thời gian này trên địa bàn tỉnh cũng có đến 48.303 người lao động thất nghiệp. Đây là một nghịch lý mà theo giới chuyên môn là do hiện tượng “nhảy việc” công nhân lao động gây nên biến động lao động “ảo”, dẫn đến hệ lụy cho công tác giải quyết chế độ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Theo ông Bùi Hữu Phong - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương - dường như hồ sơ của người lao động thất nghiệp so với số lao động có việc làm gần như tương đồng nhau. Có nghĩa không ai thất nghiệp, nhưng hiện nay có một thực trạng người lao động tìm cách “nhảy việc” hoặc cố ý tìm cách kiếm thêm tiền bảo hiểm thất nghiệp.

“Bởi theo luật, sau khi tham gia đầy đủ quy định của Luật Bảo hiểm thất nghiệp và đủ thời gian và người lao động có sổ chứng nhận thất nghiệp thì có quyền đến cơ quan bảo hiểm làm thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào thẩm tra có bao nhiêu người lao động “nhảy việc” từ nhà máy này sang khu công nghiệp khác, nhưng sau đó có việc làm nhưng vẫn đến làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp” - ông GĐ Cơ quan BHXH tỏ ra băn khoăn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho thấy, việc chi lớn số tiền bảo hiểm thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. Ngoài hiện tượng “nhảy việc” còn do số lượng biến động lao động giữa các doanh nghiệp vì gặp khó khăn sản xuất và có đến gần 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hẹp nhà máy hoặc đóng cửa đã kéo theo số người thất nghiệp ngày càng gia tăng và việc giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp ngày càng áp lực rất lớn. 

Số tiền giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp ở tỉnh Bình Dương gia tăng đột biến từng năm, nếu như cả năm 2010 có 29.000 người hưởng chế độ thất nghiệp, đến năm 2011 có đến gần 40.000 người và năm nay là trên 48.000 lao động. Theo thông tin cảnh báo từ Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho hay, cứ đà này kéo dài, tình hình quỹ thu chi sẽ không kham nổi và có nguy cơ mất cân đối, thậm chí vỡ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Lạm dụng chính sách “nhân văn”

Qua 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm thất nghiệp, đây là chính sách nhân văn đối với người lao động. Tuy nhiên, có một số bộ phận người lao động và doanh nghiệp đã lợi dụng vào chính sách mở này để “nhảy việc” hoặc cố ý tìm cách để trục lợi, khiến các nhà quản lý về Bảo hiểm xã hội ở Bình Dương nói riêng và cả nước hết sức lo ngại.

Điển hình, qua thanh tra sở đã phát hiện 2 công ty lập 50 bộ hồ sơ khống cho người lao động để “moi” tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Phùng Trung - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - vừa qua có một số hiện tượng lợi dụng trước khi nghỉ việc đã thông đồng với một số doanh nghiệp để tăng lương đột ngột gấp vài lần cho người lao động. Đây là hiện tượng trục lợi tiền bảo hiểm thất nghiệp diễn ra một cách trắng trợn. 

Sự việc nguy ngại hơn khi có một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các ông chủ sử dụng lao động đã chủ động gợi ý hoặc đề xuất cho công nhân nghỉ việc để hưởng bảo hiểm. “Việc cho công nhân nghỉ việc với mục đích của các ông chủ doanh nghiệp là “né” việc tăng lương cho công nhân trong các năm tiếp theo” – ông Trung tỏ ra lo lắng.

Trước tình hình “báo động” của quỹ bảo hiểm thất nghiệp có nguy cơ bị mất cân đối, thậm chí vỡ quỹ, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đưa ra đề xuất đối với các lao động bị kỷ luật hoặc vô tổ chức tự ý nghỉ việc tại các doanh nghiệp thì không được xem xét giải quyết bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Trung Thanh
Lao động

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM