24 ngàn tiến sĩ, vẫn đốt đuốc tìm chuyên gia
Đổi mới cơ chế tài chính để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu thay vì lo thanh toán đề tài là vấn đề các ĐB thảo luận nhiều nhất về dự thảo luật Khoa học - Công nghệ sửa đổi chiều 20/11.
Giải phóng nhà khoa học khỏi thủ tục buồn chán
ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận định sau 10 năm kể từ khi luật KH-CN ra đời, đầu tư cho lĩnh vực này không hề ít, số lượng đề tài ngày càng tăng, nhưng so với các nước trong khu vực, trình độ KH-CN của Việt Nam vẫn thấp, vẫn thiếu những công trình, sáng chế tầm cỡ, tỉ lệ các đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng cũng khiêm tốn.
ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) thì thấy "thật trớ trêu khi một đất nước có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ mà không tìm ra được những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học nào đủ giỏi để trở thành các tổng công trình sư cho các đề tài lớn, có ý nghĩa quốc gia".
Theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cơ chế tài chính là vướng mắc lớn nhất vì vẫn còn cung cách bao cấp, chậm giải ngân, chưa bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. "Thủ tục thì quá phức tạp, nhà khoa học nhiều khi phải lách luật để được thanh toán cho các đề tài", ông Vẻ nói.
Bà Nga chia sẻ nhận định này: "Từ khi được duyệt đề tài cho đến khi cấp vốn mất mấy năm trời, nhiều nhà khoa học phải chia nhỏ đề tài để được thanh toán, trái với bản chất trung thực của khoa học, thủ tục thì phức tạp, mất thời gian, khiến họ nản lòng".
Ông Vẻ cho rằng cần một cơ chế đặc thù về tài chính cho KH-CN và phải được quy định ngay trong luật. Ông đề nghị rà soát tất cả các tổ chức nghiên cứu của nhà nước, để tập trung kinh phí từ ngân sách cho những đơn vị làm ăn có hiệu quả, thay vì cứ cấp kinh phí theo đầu đề tài như hiện nay.
Theo ông Vẻ, nên mở rộng hình thức nghiên cứu theo đơn đặt hàng và chỉ thanh toán kinh phí nếu các đề tài, công trình được đưa vào ứng dụng thực tiễn.
ĐB Phạm Xuân Thăng gọi đây là "tái cơ cấu các tổ chức KH-CN công lập". "Ngân sách chỉ nên tập trung đầu tư cho những đơn vị hiệu quả và một số lĩnh vực ưu tiên, còn lại nên để hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức KH-CN ngoài công lập", ông Thăng nói.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) còn đề nghị có một chỉ số tượng tự như ICOR trong lĩnh vực KH-CN để đánh giá hiệu quả của đồng vốn nhà nước ở tất cả các đơn vị nghiên cứu, không phân biệt thành phần.
Mục tiêu là để tài chính không còn là vấn đề đau đầu đối với các nhà khoa học, như ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) nói, "giải phóng các nhà khoa học khỏi những vấn đề hành chính, thủ tục buồn chán, mất thời giạn để họ tập trung nghiên cứu khoa học".
Luật hóa chức năng phản biện của nhà khoa học
Bên cạnh tài chính, vấn đề môi trường làm việc và cơ hội cống hiến cho các nhà khoa học cũng được các ĐB nêu.
ĐB Hoàng Thị Tố Nga nêu kinh nghiệm thu hút nhân tài từ nước ngoài về làm việc cho đất nước của Hàn Quốc, Trung Quốc, để cho thấy Việt Nam không những chưa có chính sách cụ thể mà còn nhiều rào cản để các nhà khoa học giỏi về nước.
ĐB Hoàng Thị Tố Nga: Nhiều nhà khoa học phải chia nhỏ đề tài để được thanh toán,
trái với bản chất trung thực của khoa học
"Môi trường làm việc, các cơ chế khuyến khích... đều còn hạn chế khiến ta bị 'chảy máu chất xám' các nhà khoa học sang khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài", bà Nga nói.
Để thực sự tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến, ĐB Huỳnh Thành Đạt còn kiến nghị luật hóa chức năng phản biện xã hội của các nhà khoa học, để tạo sự đồng thuận giữa nhà khoa học và nhà quản lý.
Như phân tích của ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) thì do thiếu cơ chế, hai bên chưa gặp được nhau: các nhà KH có tính tự trọng cao, không đi xin xỏ để được phản biện, cơ quan nhà nước cũng không chủ động mời các nhà KH phản biện chính sách.
Dự thảo luật KH-CN sửa đổi sẽ còn được cho ý kiến một lần nữa trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp sau.
Theo Chung Hoàng
Ảnh: Minh Thăng
vietnamnet