img

Có người anh năm nào cũng đi tàu Tết, đằng đẵng từ Sài Gòn ra tới Đà Nẵng xa xôi. Ai hỏi sao anh không đi máy bay về cho nhanh thì anh đáp gọn lỏn: Anh muốn mang xuân về cho cả gia đình.

ồi còn làm ở gần ga Hà Nội, cứ đến Tết nhìn qua ô cửa sổ văn phòng là lại thấy tấp nập, người người đổ ra ga lên đường về quê ăn Tết. Có máy bay, có ô tô chất lượng cao, ít người đi tàu hơn. Tôi cũng từng đi tàu về quê ăn Tết một lần, xưa lắc rồi, từ hồi nhỏ xíu. 

Giờ nghĩ lại chẳng có gì nhiều ngoài một đoàn tàu, nhưng cơ hồ cái cảm giác hân hoan, náo nức trên sân ga vẫn có nguyên vẹn. Bỏ ngoài những thứ đông đúc, chật chội, những tiếng thở dài vì chờ đợi hay gương mặt mệt mỏi của những chuyến tàu xa, sân ga và đoàn tàu vẫn là thứ để lại trong tôi cảm giác Tết nhất.

Có vô vàn lý do mà một người thích/không thích đi tàu Tết. Tôi thích những chuyến tàu Tết vì cảm giác được gần người thân hơn, được nhòm ngó, được đứng ngồi sốt ruột, được xách hộ người này cái kia, cầm hộ cô bạn cái này. Tết năm nào cũng vậy, có những người vào trong hẳn sân ga chia tay người thân, bịn rịn quyến luyến. Tết có đoàn tụ nhưng cũng có chia ly, chào tạm biệt nhau, lòng biết sẽ gặp lại sớm mà sao vẫn cứ bứt rứt, cứ thấy điều gì đó tiếc nuối. Cái lạnh sớm mai của Hà Nội chỉ khiến bàn tay đan vào nhau chặt thêm chút nữa, cái ôm gấp gáp hơn, miệng cười hồ hởi, phấn khởi.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 3.

Rồi trên sân ga tiễn con đi ngày trở về thành phố, có bà mẹ chạy theo từng nhịp bánh tàu lăn tu tu xình xịch, với tay qua cửa sổ vào trong khoang tàu rồi dặn dò mang đủ đồ ăn lên chưa, nhét tiền cẩn thận, lên thành phố nhớ gọi điện về cho mẹ... Nhìn bóng con khuất dần theo bóng đoàn tàu, chỉ còn lại những người phụ nữ có cùng nỗi buồn tiễn con, giọt nước mắt ai đó khẽ rơi lại vẽ lên sân ga nỗi buồn trở đều qua mỗi năm. Lúc ấy, chắc nhiều người cũng nghĩ, giá như hôm nay mới là ngày đón con về trong tiếng còi tàu hân hoan rộn ràng.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 4.

Vì trên những chuyến tàu, người ta mang được cơ man biết bao là thứ, là Tết mà lũ trẻ vùng nông thôn đang trông ngóng từ người thân. Những gói bánh kẹo nặng chịch, phải tay xách nách mang lắm mới cầm theo được, chẳng ai khệ nệ mang lên máy bay cả. "Thành phố có sẵn, mang về làm gì", ai đó sẽ cười khi được hỏi có mang bánh kẹo gì về quê không. Có những chuyến tàu từ thành phố về miền quê xa xôi, người ta chắt chiu để mang về từng miếng bánh, tấm áo hay chút đồ lỉnh kỉnh mà "vui như Tết". Rồi biết đâu, ai đó còn mang theo cả cành đào, chậu mai, khóm quất, tự dưng thấy mỗi khoang tàu như một phiên chợ Tết nho nhỏ, cơ man là những món đồ mà chỉ nhìn thôi cũng thấy bồi hồi nhớ Tết.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 5.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau. Có cô nọ đi làm công ở Hà Nội cả năm, Tết mới về ăn Tết được, cô kể chuyện nhớ các con, nhớ lũ cháu ở nhà lắm. Cô còn chẳng ngại gỡ đống đồ ra, khoe chiếc áo mua cho con bé Tí, chiếc dép nhựa màu hồng cho cháu gái vào lớp một. Cô kể phấn khởi như vậy, ai có đang say tàu cũng không nỡ mà ngoảnh mặt đi chỗ khác, lại thêm dăm ba câu chuyện vào. Rồi chú kia nữa, nhà tuốt miền Trung nhưng vào Sài Gòn làm bốc vác.

Chú nói rằng lũ trẻ ở nhà cứ khoe bố vào Sài Gòn làm với đám bạn, nhưng chú chẳng dám nói là làm gì không tụi nhỏ lại tủi. Đêm ông Công ông Táo, lũ trẻ gọi điện nhắc bố mua quà rồi về ăn Tết sớm, chú lại ngồi lẩm bẩm xem còn được bao nhiêu tiền. Nhưng còn bao nhiêu thì còn, Tết cũng phải về, "về không các con mong", chú kể... Những câu chuyện Tết cứ thế xoay vần trên chuyến tàu hàng chục tiếng, người này xuống ga, người kia lại lên, tiếp nối những niềm vui đón Tết của bao con người trên chuyến tàu. Họ kể chuyện cho nhau rồi mời nhau miếng bánh, quả quýt.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 6.

Vì trên sân ga, trong những chuyến tàu đều thấp thoáng hình ảnh quê nhà. Nhà ga ngày xưa và bây giờ chẳng có mấy đổi thay; sân ga thành phố vẫn đông đúc còn ở quê tôi, mọi thứ gần như "đóng băng" cùng thời gian. Nghiêm - một cậu bạn Tết nào cũng về quê kể ngày xưa Tết nào mẹ con nó cũng ra nhà ga ngóng bố về quê ăn Tết. Hàng ghế gỗ quen thuộc, chiếc đồng hồ cũ mèm và bác gác tàu già nua; tất cả vẫn còn đó, theo cùng mùa xuân về trên những chuyến tàu. Giờ bố nó già rồi, cũng không lên thành phố làm gì được nữa, chỉ có thể ra đây ngồi đón nó. Chắc chỉ có ở sân ga này, nó mới có thể thấy bố đầu tiên giữa bao người cũng đang khấp khởi chờ tàu vào ga. Nghĩ vậy, năm nào nó cũng hồi hộp xem ba có ra đón như mọi năm không, Còn tàu, còn ba khỏe mạnh là nó còn về.

Vì trên những chuyến tàu có biết bao người nghèo. Chắc chẳng có ai ngồi thống kê xem người đi máy bay, đi ô tô có giàu hơn người đi tàu không nhưng tôi đánh bạo là có, hoặc đa phần, hoặc ít nhất là những người tôi gặp trên máy bay "có điều kiện" hơn phần lớn người đi tàu Tết. Tôi vẫn thường nghĩ, người nghèo là những người quý Tết hơn cả. Họ trân trọng những giờ phút hiếm hoi được về nhà, được nhìn thấy những gương mặt thân yêu mà ngày thường chỉ có thể thấy qua màn hình điện thoại vì đi làm xa, nhớ con đến trào nước mắt mà cũng đâu dám về nhiều vì không có tiền. Họ mừng rỡ hơn khi nhìn những bữa cơm đầy đặn, bữa cơm được tự tay nấu cho mọi người mà cũng lâu lâu rồi không có dịp. Họ biết đồng tiền bỏ ra mua một chiếc áo vài chục ngàn cũng mang cả mùa xuân về cho lũ trẻ... Chẳng cần nói ra, nhìn những người phụ nữ ôm chắc trong tay những túi quà, chốc chốc lại nhìn ra ngoài cửa sổ với gương mặt rạng rỡ là cũng đủ hiểu, họ mong ngóng phút giây sum tụ gia đình đến nhường nào.

Giữa thành phố đông vui nhộn nhịp, nhiều người thích Tết vì được đi chơi, được “xả hơi” sau những ngày tháng vất vả hay nằm dài ở nhà quên đi hết bao áp lực cuộc sống đời thường. Nhưng có những người ở xa, họ ngóng suốt năm trời để lại được ra sân ga, cầm trên tay cành đào Tết với bao món quà gửi về quê nhà. Trong tiết xuân an lành, ta chọn quên đi một chút bực dọc, phiền muộn của bao dòng người đang đổ xô, chen nhau trên sân ga để gạn lấy những niềm vui đơn giản của ngày Tết.

Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 9.
Vì trên những chuyến tàu, chiếc ghế xoay vào nhau - Ảnh 10.
Minh Đức
Mai Lân, Quý Nguyễn
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ13/02/2018

Trí thức trẻ