Vì sao xuất khẩu thực phẩm an toàn, trong nước lại ăn đồ bẩn?

16/07/2016 14:56 PM | Kinh doanh

“Tại sao chúng ta bán cho người nước ngoài thực phẩm an toàn để họ ăn mà Việt Nam lại không làm được việc đó. Đây là trách nhiệm của người Việt Nam, trong đó có cơ quan quản lý và những người tham gia sản xuất, kinh doanh”.

Đó là ý kiến của ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại tại Hội thảo Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp diễn ra ngày 15/7.

Tại hội thảo, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 cục đã tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi. Kết quả cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao.

Cụ thể: Rau có 4,2% vi phạm; Thuốc bảo vệ thực vật 3,98%, thịt 10,93%; Hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng 1,3%; Thủy sản nuôi (1,61%) trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41%, tăng so với cuối năm 2015 (1,14%).

Theo Hội Nông dân Việt Nam, an toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển giống nòi.

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, sử dụng chất cấm, hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản, chế biến diễn biến phức tạp, đang gây bức xúc dư luận xã hội.

Trong năm 2015, đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau; có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong.

Hằng năm nhập khẩu hơn 100.000 tấn hóa chất thuốc BVTV với hơn 5000 loại, ngành chức năng khó kiểm soát; việc bán khống chứng nhận nông sản VietGAP...; trình độ, nhận thức, khoa học, kỹ thuật và các điều kiện về nguồn lực phục vụ cho sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế, dẫn đến đa số các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo kinh nghiệm.

Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất trong bảo quản chế biến như phun thuốc không theo qui định, thuốc ngoài danh mục qui định, phun thuốc đậu quả, dấm chín quả bằng thuốc diệt cỏ, dùng chất vàng o để muối dưa.....

Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương - Phạm Xuân Đương cũng cho rằng nguyên nhân thực phẩm kém an toàn là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ.

Quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm. Nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó những người sản xuất nông sản an toàn lại gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của nông dân, chi phí bỏ ra để xin cấp giấy chứng nhận VietGAP rất cao và chỉ có giá trị 2 năm sau đó phải làm lại chứng nhận, khiến sản xuất và bán rau VietGAP lợi nhuận rất thấp.

Người sản xuất phải mời đơn vị xét nghiệm lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh… trung bình mỗi loại rau mất 8,8 triệu đồng. Như vậy nếu muốn cấp chứng nhận cho 30 loại rau mất gần 300 triệu đồng, người trồng rau chỉ có thể phá sản.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có hiện tượng mua chứng nhận rau VietGap, vào siêu thị cũng phát hiện rau bẩn. Đây là con đường làm ăn “bẩn”.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng thừa nhận, vừa rồi vẫn có trường hợp đáng tiếc như lợn VietGAP, HTX sản xuất rau an toàn như Trung Thành, Ba Chữ lại trà trộn những sản phẩm không an toàn cung cấp cho khách hàng.

Theo ông Hào, nguyên nhân do chúng ta sản xuất nhỏ lẻ, các cơ sở thu mua có thể vì áp lực hợp đồng tiêu thụ nên họ nhắm mắt ra chợ dân sinh thu gom hàng hóa.

Phát biểu tại Hội thảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự chia sẻ, người Việt Nam có câu rất hay là "nhất ăn nhì mặc".

Hiện Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, xuất khẩu lượng hàng hoá lớn sang các nước. Việc đàm phán thực hiện xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho các thị trường được thực hiện, cam kết từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn.

“Tại sao chúng ta bán cho người nước ngoài thực phẩm an toàn để họ ăn mà Việt Nam lại không làm được việc đó. Đây là trách nhiệm của người Việt Nam, trong đó có cơ quan quản lý và những người tham gia sản xuất, kinh doanh”, ông Tự nhấn mạnh.

Theo ông, đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề có thể làm được, không phải là vấn đề quá cao xa, bởi chúng ta xuất khẩu đi rất nhiều.

Ông Tự cũng chỉ ra, hiện nay Luật ATTP vẫn chưa được quy định đầy đủ. Mặt khác cần có sự kết hợp, vào cuộc quyết liệt giữa ba bộ: Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế nếu không thì nói mãi cũng không thể làm được.

Liên quan đến ATTP trong ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần phải truy ra ai là người gây ra mất an toàn sản phẩm. Đó là những người thuộc nhóm sản xuất, lưu thông và một nhóm khác là thúc đẩy dùng chất cấm để hưởng lợi ích.

Theo ông Vân, ai cũng sợ pháp luật nhưng dường như chúng ta chưa làm thấu đáo chưa đến đáy nên người dân không sợ.

Người dân phun trộn 3-4 loại thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm nhưng không ai xử lý. Do đó tới đây cần phải xử lý cứng rắn, nếu cần có thể truy tố người nông dân khi sử dụng chất cấm chăn nuôi. Khi đó người nông dân mới sợ và không sử dụng.

“Nếu sửa đổi một số điều trong bộ Luật Hình sự, tôi tin chất cấm sẽ giảm mạnh và nhiều người không dám dùng", ông Vân nói.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM