Vì sao Vietcombank sẵn sàng mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC?

13/02/2017 10:59 AM | Kinh doanh

Trên phương diện kinh tế vĩ mô, việc tiên phong tự xử lý nợ xấu của Vietcombank giúp giảm gánh năng tài chính cho ngân sách nhà nước đồng thời góp phần khiến các tổ chức tín dụng khác chủ động hơn với nợ xấu của chính mình.

Năm 2016 có thể coi là một năm thành công với Vietcombank khi ngân hàng TMCP này tạo ra được những con số vượt mức kế hoạch đầy ấn tượng: Dư nợ và đầu tư đạt 585 nghìn tỉ, huy động vốn 590 nghìn tỉ, tổng tài sản 788 nghìn tỉ và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 8500 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này, tăng trưởng 24.75% so với năm 2015.

Đây cũng chính là tiền đề giúp Vietcombank có đủ tiềm lực tài chính để đi đên quyết định mua lại toàn bộ nợ xấu (4.300 tỉ đồng) từ công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC.

Từ năm 2015, hầu hết các ngân hàng coi việc bán nợ cho VAMC như một cứu cánh để giảm về tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 3% như yêu cầu của ngân hàng nhà nước. Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên quyết định mua lại nợ xấu để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, thay vì để hàng nghìn tỉ đồng nợ xấu nằm bất động tại VAMC và chờ đợi cơ chế xử lý. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng và được hi vọng sẽ tạo những hiệu ứng tích cực đến các tổ chức tín dụng khác.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, việc chủ động xử lý nợ xấu của Vietcombank trong thời điểm hiện tại có nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên chính thức minh bạch hóa nợ xấu, đưa nợ xấu về một sổ. Với việc xóa sạch nợ với VAMC trước thời hạn 3 năm, Vietcombank sẽ không còn nợ ngoại bảng. Điều này tạo hiệu ứng tích cực cho niềm tin của thị trường. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi những thông tin về con số nợ xấu khủng và hàng loạt ngân hàng hoạt động yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng khiến nhiều người dân hoài nghi về rủi ro của đầu tư tiền gửi ngân hàng.

Thứ hai, nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, khi thu được sẽ góp phần giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, cho phép Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích sự phát triển của nền kinh tế đồng thời hiện thực hóa chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9200 tỉ năm 2017 của ngân hàng.

Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2016, tính đến 31/12/2016, ngân hàng hiện tại đã trích lập gần 6500 tỉ đồng cho rủi ro tín dụng, dư nợ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 8125 tỉ đồng. Trong khi đó, dư nợ xấu nội bảng là gần 6.900 tỉ đồng. Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của việc mua lại 4.300 tỉ đồng nợ xấu đến tình hình kinh doanh của Vietcombank được dự đoán là không quá lớn.

Thứ ba, trên phương diện kinh tế vĩ mô, việc tiên phong tự xử lý nợ xấu của Vietcombank giúp giảm gánh năng tài chính cho ngân sách nhà nước đồng thời góp phần khiến các tổ chức tín dụng khác chủ động hơn với nợ xấu của chính mình. Trong hội nghị tổng kết họa động kinh doanh năm 2016, Vietin bank cũng đã tiết lộ sẽ đẩy nhanh giải quyết dứt điểm nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 thay vì chờ đến 2018 như kế hoạch.

Hiện nay, các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm, cho nên tình hình xử lý nợ ở VAMC của các ngân hàng thương mại vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, cùng với cơ chế xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo mới sẽ được ban hành trong năm 2017, sự chủ động tham gia xử lý nợ xấu của chính bản thân các ngân hàng như Vietcombank hứa hẹn những chuyển biến tích cực của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Minh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM