Vì sao Victoria’s Secret có thể xui các ông chồng mua tặng vợ bộ đồ lót ngàn đô mà vẫn cho là... rẻ?

06/04/2016 09:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một ông chồng đang hào hứng mua quà Giáng Sinh tặng vợ, sau khi xem xong chiếc áo Fantasy trị giá 6,5 triệu USD sẽ mua chiếc Chantal Thomass Pinstripe với giá 298 USD mà vẫn cho rằng mình đã chi tiêu hợp lý.

Trong 2 thập kỷ vừa qua, hãng trang phục đồ lót Mỹ Victoria’s Secret luôn trở thành một thương hiệu hấp dẫn cho cả cánh mày râu lẫn phụ nữ khi lựa chọn quà Giáng Sinh.

Khi lần đầu được giới thiệu ra công chúng vào năm 1996, siêu mẫu Claudia Shiffer đã mặc trên người chiếc áo ngực Miracle đính kim cương trị giá 1 triệu USD.

Năm tiếp theo, hãng cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp được trang trí bằng ngọc sapphire và kim cương trị giá 3 triệu USD. Thậm chí độ chịu chơi của hãng này ngày càng lên cao khi giá chiếc áo ngực Heart on Fire năm 2006 có giá 6,5 triệu USD. Năm 2013, giá của chiếc Royal Fantasy Bra lên tới 10 triệu USD.

Cứ thế, lần lượt mỗi năm, hãng đều cho ra những mẫu mới, với số kim cương đá quý nhiều hơn và trị giá áo lót càng cao hơn.

Vậy tại sao Victoria’s Secret vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc áo lót hàng triệu USD mà hầu như chẳng có ai mua chúng?

Nguyên nhân rất đơn giản, Victoria’s Secret sử dụng những chiếc áo ngực đính kim cương hàng triệu USD này để quảng bá thương hiệu và thúc đẩy doanh thu những dòng sản phẩm cấp thấp hơn.

Dòng áo ngực đính đá quý luôn thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, qua đó quảng cáo thương hiệu của hãng. Công ty biết rất rõ rằng mỗi sản phẩm thời trang chỉ thu hút sự chú ý của khách hàng khi những sản phẩm mới ra đời đẹp hơn hay đắt hơn trước đó.

Hơn nữa, thiệt hại của hãng cũng không đáng kể bởi đá quý và kim cương có thể tái sử dụng lại dễ dàng.

Đặc biệt, có lẽ nhiều người bỏ sót lợi ích quan trọng nhất khi Victoria’s Secret đưa dòng sản phẩm áo ngực đính kim cương vào danh bạ chào hàng là chúng làm thay đổi khung giá trị tham chiếu để xác định việc chi tiêu bao nhiêu cho sản phẩm là phù hợp.

Khi gieo cho khách hàng tư tưởng rằng có người sẵn sàng chịu chi hàng triệu USD cho một chiếc áo lót, hãng Victoria’s Secret đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng việc chi vài trăm USD cho một sản phẩm cấp thấp hơn cùng thương hiệu không đến nỗi quá đắt.

Chúng ta có thể dễ dàng hình dung một ông chồng đang hào hứng mua quà Giáng Sinh tặng vợ, sau khi xem xong chiếc áo Fantasy trị giá 6,5 triệu USD sẽ mua chiếc Chantal Thomass Pinstripe với giá 298 USD mà vẫn cho rằng mình đã chi tiêu hợp lý.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM