Vì sao Từ Hy không dám "bắt chước" Võ Tắc Thiên phế vua xưng đế?

02/09/2019 21:32 PM | Sống

Nắm quyền trong suốt 47 năm song Từ Hy Thái hậu không học Võ Tắc Thiên đăng cơ xưng đế. Đây là một sự khôn ngoan, có tính toán của người phụ nữ này.

Từ Hy Thái hậu hưởng thọ 73 năm trong đó, thời gian bà nắm quyền điều hành Thanh triều lên đến 47 năm.

Trong khoảng thời gian này, mặc dù có sự tồn tại chính thức của hai vị vua Đồng Trị, Quang Tự song trên thực tế, thống trị đất nước thực sự lại là người ngồi tại điện Dưỡng Tâm.

Tại sao Từ Hy không mạnh tay phế hai Hoàng đế “bù nhìn”, học Võ Tắc Thiên tự đăng cơ làm Hoàng đế?

 Vì sao Từ Hy không dám bắt chước Võ Tắc Thiên phế vua xưng đế? - Ảnh 1.

Từ Hy là người phụ nữ có thực quyền còn cao hơn cả Đồng Trị và Quang Tự - hai vị vua cuối đời Thanh.


Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử phong kiến, Trung Quốc chỉ có duy nhất một nữ hoàng dưới triều Đường.

Điều này có liên quan nhiều đến đặc điểm xã hội nổi bật của triều đại do Lý Uyên khai lập – đó là vai trò và địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được đánh giá cao.

Trong hầu hết các chiều đại chuyên chế phong kiến, vai trò địa vị của phụ nữ trong gia đình, xã hội đều rất thấp nhưng dưới thời Đường, điều này khác hẳn, nhất là so với phụ nữ các triều đại Minh, Thanh.

Những phụ nữ liễu yếu đào tơ có thể du ngoạn thiên hạ, đọc sách, làm quan...

Trong môi trường mở đó, dưới triều đại này đã xuất hiện nhiều phụ nữ nổi tiếng trong thiên hạ như Thượng Quan Uyển Nhi, nhà thơ Tiết Đào, nữ ca sĩ Trương Hồng Hồng, Lưu Thái Xuân, nữ nghệ sĩ khiêu vũ như Công Tôn Đại Nương, nữ thư pháp gia Ngô Thái Loan…

Thậm chí, những phụ nữ ly hôn, hay những quả phụ có chồng chết sớm vẫn có thể dễ dàng tái giá mà không bị dư luận đàm tiếu.

Trong cuốn “Bắc mộng tỏa ngôn” có ghi lại một câu chuyện khá thú vị. Cuối thời Đường, chiến loạn diễn ra triền miên. Con gái một tướng quân họ Lý trong cơn loạn lạc đã lấy một viên quan nhỏ họ Đổng.

Về sau, trong lúc cuộc sống khó khăn, cô này tìm lại được chồng cũ, liền nói với chồng mới rằng: “Trong cơn tang loạn, thiếp là phụ nữ yếu đuối phải nương nhờ vào chàng để sống đến nay.

Mỗi người đều có một người thương trong lòng, điều này khó có thể thay đổi được, nay thiếp xin bộc bạch thẳng thắn, xin được bái biệt chàng từ đây”. Viên quan họ Đổng dù vô cùng kinh ngạc song vẫn rộng lượng để cho người vợ họ Lý ra đi.

 Vì sao Từ Hy không dám bắt chước Võ Tắc Thiên phế vua xưng đế? - Ảnh 2.

Dưới triều Đường, vai trò của người phụ nữ được đề cao. Đó là điều kiện thuận lợi để Võ Tắc Thiên xưng đế.


Tuy nhiên, dưới thời nhà Thanh, phụ nữ cơ bản không có không gian để hoạt động. Đừng nói đến việc du ngoạn, làm quan, ngay cả đọc sách thánh hiền, họ cũng bị cấm đoán bởi người Thanh triều có quan niệm “Nữ tử vô tài tiện thị đức” (phụ nữ không có tài cán là phúc đức).

Vì thế cho nên, trong suốt thời gian 275 năm thống trị của người Mãn Thanh, Trung Quốc không có bất cứ một người phụ nữ nào làm quan, chứ không nói đến nữ hoàng.

Rõ ràng, Từ Hy Thái hậu đã cho thấy sự khôn ngoan của mình khi quyết không chọn cánh làm như Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, nhờ vào tâm kế và thủ đoạn mềm của cố nhân, người phụ nữ này vẫn có thể một tay che cả bầu trời, thao túng cả hai đời vua của nhà Thanh.

Ngoài ra, cũng còn một lý do nữa khiến Từ Hy quyền lực dù có lớn đến đâu, cũng không thể phế Đồng Trị, Quang Tự để lên thay thế. Đó là bài giáo huấn của tổ tiên người Mãn ngay từ khi lập ra Thanh triều: Hậu cung không được can dự vào việc triều chính.

 Vì sao Từ Hy không dám bắt chước Võ Tắc Thiên phế vua xưng đế? - Ảnh 3.

Việc không đăng cơ là một tính toán khôn ngoan của Từ Hy Thái hậu.


Trong xã hội có tư duy tiến bộ dưới triều Đường, Võ Tắc Thiên xưng đế cần giở một chút thủ đoạn nhưng vào thời nhà Thanh, nếu Từ Hy muốn làm bà hoàng, ắt sẽ phải thay đổi cả một hệ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào máu xương người Mãn.

Điều này là không thể đối với một người phụ nữ muốn chống lại cả xã hội. Và khi hệ tư tưởng trên còn tồn tại, thì giấc mộng xưng đế của Từ Hy mãi mãi chỉ là giấc mộng mà thôi.

Theo Nguyễn Nhung

Cùng chuyên mục
XEM