Vì sao phụ nữ luôn cần một vòng tay?

12/09/2016 19:31 PM | Sống

Nữ giới được cho là chịu lạnh “kém” hơn nam giới, họ có nhiệt độ bàn tay thấp hơn và dễ có xu hướng bị lạnh hơn nam giới.

Đây là cảnh tượng mà chúng ta vẫn thường thấy trong một văn phòng: Trong khi các bà các cô co ro trong áo ấm và khăn quàng, thì các đấng mày râu lại ăn mặc phong phanh, và luôn mồm kêu rằng mình thấy nóng.

Nhưng điều đó liệu có đơn giản chỉ là sự khác biệt về cảm nhận?

Các chuyên gia không cho là như vậy. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy có những khác biệt rõ rệt khi bàn đến chức năng hoạt động của hệ tuần hoàn giữa hai giới, và điều này khiến mỗi giới cảm nhận nhiệt độ môi trường xung quanh khác nhau. Đây cũng là lý do tại sao phái đẹp luôn cần một vòng tay để giữ ấm bản thân mình.

Giữ nhiệt trong người

Giả thuyết cho rằng phụ nữ có tỉ lệ mỡ/cơ bắp cao hơn nam giới giải thích tại sao nam giới thường tạo ra nhiều nhiệt cơ thể hơn; trong khi phụ nữ, với kích thước cơ thể nhỏ hơn và tốc độ chuyển hóa thấp hơn, lại gặp bất lợi khi nhiệt độ giảm xuống.

Nhìn chung phụ nữ có một lớp mỡ được phân phối đều dưới bề mặt da, chiếm khoảng 20-25% lượng mỡ cơ thể, trong khi lớp mỡ này ở nam giới mỏng hơn nhiều, chỉ khoảng 15% lượng mỡ toàn cơ thể.

Sự biến đổi về nhiệt độ liên quan mật thiết đến mạch máu. Với phụ nữ, mạch máu của họ hẹp hơn, vì thế quá trình tỏa nhiệt cũng hạn chế hơn.

Do đó nếu một trong những chức năng chính của máu là giữ ấm khi trời lạnh (đó là lý do bạn cần vận động và giữ máu luân chuyển khi thấy lạnh), thì nam giới được lợi hơn vì lượng nhiệt trong cơ thể tập trung trên bề mặt da, trong khi phụ nữ thì không vì máu được dồn về phía trong cơ thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng trong cơ thể.

Chính mức nhiệt cơ thể 37 độ C là nguồn nhiệt giữ ấm cho thai nhi trong thời gian mang thai.

Bàn tay lạnh, trái tim nóng

Nếu bạn băn khoăn tại sao bàn tay và bàn chân của phụ nữ có vẻ là nơi tập trung cái lạnh, thì các nhà nghiên cứu sẽ cho bạn biết rằng nhiệt độ trung bình ở bàn tay của phụ nữ thấp hơn 2,8 độ so với nam giới.

Theo các bằng chứng khoa học thì dòng máu đến các bộ phận nêu trên có thể thay đổi cực nhanh để giữ hoặc tỏa nhiệt, tuy nhiên cơ thể phụ nữ sẽ chặn dòng chảy của máu đến cả bàn chân và bàn tay nhanh hơn so với nam giới.

Một bệnh cần chú ý với trạng thái này được gọi là bệnh Raynaud, ai mắc bệnh sẽ bị giảm lượng máu đi đến bàn tay, bàn chân, mũi và tai.

Trong khi bệnh này có khoảng 10 triệu người mắc thì người ta cho rằng phụ nữ nhiều khả năng bị mắc hơn do hormone ở phụ nữ cũng góp phần trong nguyên nhân gây bệnh và vì thế có thể ngăn chặn lưu thông máu.

Chu kỳ kinh nguyệt

Các chuyên gia cũng cho rằng chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có tác động mạnh lên nhiệt độ cơ thể. Khi bắt đầu chu kỳ, lượng sắt trong máu ở mức thấp nhất và lượng oestrogen dao động mạnh, khiến lượng tế bào hồng cầu giảm đáng kể và do đó nhiệt độ cơ thể cũng giảm theo.

Đến cuối chu kỳ, những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh sẽ phải đối mặt với tình trạng trào huyết (cảm giác nóng và khó chịu bất chợt trên da kèm theo sự mất cân bằng về hormone).

Triệu chứng điển hình này đã được chứng minh là do sự sụt giảm oestrogen trước và sau chu kỳ.

Trong khi những điều nêu trên là khó tránh khỏi, các nhà nghiên cứu vẫn khuyên rằng một lối sống lành mạnh – không hút thuốc, ăn uống điều độ và tập thể dục đều đặn – sẽ góp phần cải thiện lưu thông máu, giảm bớt những cơn lạnh đột ngột và góp phần giúp cơ thể nhanh chóng trở lại bình thường.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM