Vì sao ông chủ hãng điện tử Asanzo lại đầu tư tới 250 tỷ vào Kooda, bước chân vào mảng Tivi cao cấp?

26/11/2017 14:05 PM | Kinh doanh

Nếu bây giờ Asanzo không thâu tóm Kooda thì sao? “Thì một mặt, Asanzo vẫn phải tự phát triển sản phẩm, xây dựng thị trường, một mặt sẽ phải chuẩn bị kịch bản tương lai trở thành đối thủ của Kooda khi tiến vào phân khúc cao cấp. Trong khi đó, giờ thâu tóm Kooda, chúng tôi khỏe hơn”, ông chủ hãng điện tử bình dân Asanzo phân tích.

Mới đây, hãng điện tử Asanzo công bố đã chi 250 tỷ đồng thâu tóm Kooda – một Startup sản xuất tivi cao cấp.

Bình luận về thương vụ này, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo – cho biết: “Thị trường hàng điện tử Việt Nam có quy mô khoảng 1,5 tỷ USD. Nhưng không một thương hiệu nào có thể ôm trọn các phân khúc từ thấp đến cao”.

Bản thân Asanzo cũng từng ra mắt một dòng sản phẩm tivi cao cấp, nhưng ông Tam gặp cản trở khi người tiêu dùng mặc định thương hiệu Asanzo là sản phẩm bình dân, giá rẻ. Họ không nghĩ Asanzo có sản phẩm cao cấp, và cho dù có biết, vẫn lại nghĩ tivi cao cấp đấy giá sẽ rẻ như các dòng tivi Asanzo khác.

Vì sao ông chủ hãng điện tử Asanzo lại đầu tư tới 250 tỷ vào Kooda, bước chân vào mảng Tivi cao cấp? - Ảnh 1.

Thực tế, trên thế giới, Toyota vốn là thương hiệu ô tô bình dân, khi muốn tiến tới phân khúc cao cấp cũng đã phải xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn là Lexus.

Thâu tóm Kooda, Asanzo không chỉ sở hữu một thương hiệu tivi cao cấp, mà còn tận dụng được thế mạnh của ông chủ Kooda Liêu Chí Dũng, người có kinh nghiệm trên 17 năm trong lĩnh vực điện tử về lượng khách hàng sẵn có và hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị bán dòng sản phẩm cao cấp.

Ông Tam cho biết, thị trường chung sẽ phân ra khoảng 70% là phân khúc bình dân, và 30% là phân khúc cận cao cấp.

“Thị trường của VN đồ điện tử rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD. 70% thị trường bình dân nhưng nếu quy ra doanh số thì chỉ chiếm chưa được một nửa, do giá trị trung bình trên sản phẩm thấp. Trong khi đó, 30% thị phần của dòng cận cao cấp sẽ có giá trị lớn hơn”, ông Tam nói.

Về đối tượng khách hàng, Asanzo phục vụ cho các đối tượng ở nông thôn, tầm trung tuổi trở lên, những gia đình chưa có nhiều nhu cầu về Internet và các tính năng thông minh khác.

Còn Kooda nhắm tới phân khúc người giàu ở tỉnh, người trung lưu ở các thành phố, những người trẻ trung, thích khám phá, thích trải nghiệm công nghệ mà không đủ tiền mua các sản phẩm cao cấp. Kooda có mức giá thấp hơn 15% so với các hãng khác mà chất lượng tương đương. Giá thấp hơn cũng là nhờ hưởng lợi từ sự “trợ lực” về mọi mặt của Asanzo.

Về bản đồ giá, Kooda sẽ có mức giá cao hơn Asanzo, nhưng thấp hơn TCL.

Vì sao ông chủ hãng điện tử Asanzo lại đầu tư tới 250 tỷ vào Kooda, bước chân vào mảng Tivi cao cấp? - Ảnh 2.

Bình dân hóa công nghệ vào trong sản xuất, sản phẩm của Asanzo được cắt giảm các tính năng không cần thiết, từ đó giúp giảm giá thành.

Nếu bây giờ Asanzo không thâu tóm Kooda thì sao?

“Thì một mặt, Asanzo vẫn phải tự phát triển sản phẩm, xây dựng thị trường, một mặt sẽ phải chuẩn bị kịch bản tương lai trở thành đối thủ của Kooda khi tiến vào phân khúc cao cấp. Trong khi đó, giờ thâu tóm Kooda, chúng tôi khỏe hơn”, ông chủ Asanzo phân tích.

“Khi về cùng một tập đoàn, định hướng thị trường, phân khúc khách hàng phân ra sẽ rõ ràng và không chồng lấn nhau”. Asanzo và Kooda sẽ độc lập phát triển về mặt thương hiệu, sản phẩm nhưng liên kết và đồng hành như người “một nhà”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM