Vì sao nông sản Việt vẫn chưa được gọi tên trên thị trường thế giới?

17/12/2016 09:15 AM | Xã hội

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu nông sản và được nhiều thị trường nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, 90% nông sản xuất khẩu vẫn ở dưới dạng thô nên giá trị xuất khẩu chưa cao.

Ngoài nguyên nhân đa số sản phẩm nông sản ở dạng thô thì theo các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp, các nguyên nhân khác khiến thương hiệu nông sản Việt chưa đạt giá trị cao trên thị trường thế giới là nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thấy rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng không chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, do phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, vốn...

Hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát. Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Ngoài ra, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị bỏ ngỏ. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho nạn nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi.

Nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của người dân, doanh nghiệp trong nước còn hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ và hoạt động thương mại theo phương thức truyền thống nên chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác. Do đó, chỉ dẫn địa lý hiện chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến trên thị trường kể cả trong và ngoài nước.

Chính vì những yếu tố trên mà hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance của Anh, trong 2 năm qua, giá trị thương hiệu của Việt Nam đã giảm tới 19%, so với năm 2014 được định giá là 172 tỉ USD thì năm 2015 chỉ còn 140 tỉ USD. Việt Nam chỉ xếp hạng trên Campuchia về giá trị thương hiệu. Sản phẩm nông sản Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường thế giới, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Đây vừa là những hạn chế, vừa là thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng.

Theo đó, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, các chuyên gia đề xuất cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, trong đó các mặt hàng này phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố chính như: khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.

Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học - công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị đầu tư khoa học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…

Thời gian tới, trong khuôn khổ của Chương trình thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản.

"Riêng với nông sản, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có giá trị hết sức to lớn. Đây là một đặc thù giúp cho các sản phẩm của Việt Nam khẳng định được thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và thế giới", Bộ Công Thương đánh giá.

Theo Tuyết Nhung

Cùng chuyên mục
XEM