Vì sao nổi tiếng với áp lực bài vở, giảng dạy nhưng Harvard không tuyển những cỗ máy chỉ biết học?

08/12/2016 08:00 AM | Xã hội

Hàng loạt những người nổi tiếng như Bill Gates hay Mark Zuckerberg thậm chí đã bỏ ngang khi học ở Harvard để theo đuổi đam mê của mình, những niềm vui mà ban đầu chỉ là các dự án tại trường học.

Phương pháp nhập vai

Harvard là ngôi trường nổi tiếng với việc dạy học thông qua các ví dụ thực tế cũng như nhập vai vào các nhân vật có thực. Hiện có khoảng 80% chương trình giảng dạy của tất cả các khóa học trên 2 năm tại Harvard có áp dụng các vụ thực tế cũng như nhập vai vào những nhân vật này để thảo luận, qua đó truyền đạt kiến thức lại cho sinh viên.

Thậm chí, Harvard hiện đang đứng đầu thế giới về kiểu giảng dạy học từ ví dụ thực tế này. Theo đó, các sinh viên được giao hoặc được chọn những vụ việc đã từng hoặc đang diễn ra trong thực tế. Họ sẽ phải nhập vai vào những người có liên quan, đối tượng phải ra quyết định trong các vụ này.

Tiếp đó, các sinh viên sẽ phải ngồi lại và thảo luận với nhau, phân tích những điểm nổi bật của vụ việc có liên quan đến bài học và diễn giải trước lớp. Giáo viên sau đó sẽ cho góp ý và đánh giá.


Một lớp học tại Harvard

Một lớp học tại Harvard

Như vậy, khoảng 85% thời gian học trên lớp của các sinh viên sẽ là thời gian tranh luận cũng như tự rút kinh nghiệm từ ví dụ thực tế và khoảng 50% số điểm đánh giá là dựa trên kết quả của những bài học này.

Tất nhiên, Harvard cũng có những bài giảng từ giáo sư nhưng việc áp dụng cách học chủ động này đang ngày càng được nhân rộng tại đây.

Không riêng gì Harvard, một số ngôi trường nổi tiếng khác như Columbia hay Yale cũng đã và đang áp dụng phương pháp học này để kích thích sự sáng tạo cũng như chủ động của học sinh.

Học hiệu quả là không buồn ngủ

Giáo sư Eric Mazur của trường đại học Harvard nhận định chính cách học chủ động, tạo nhiều tương tác giữa sinh viên và giáo viên sẽ khiến học sinh không thể buồn ngủ trong lớp. Trong suốt 7 năm giảng dạy, ông Mazur nhận ra rằng việc chỉ truyền đạt kiến thức 1 chiều không hiệu quả bằng việc cho thảo luận nhóm và để học sinh đưa ra các đáp án của mình.

Do đó, việc Harvard phát triển phương pháp nhập vai và nghiên cứu những vụ việc có thật trong thực tế là điều dễ hiểu.

Quay ngược lại lịch sử, phương pháp học thông qua các ví dụ thực tế của trường bắt nguồn từ các giáo sư khoa luật tại Harvard vào năm 1870 và không mấy được nhân rộng cho đến năm 1920. Năm 2014, những ví dụ phân tích thực tế được đăng tải trên trang Harvard Business School (HBS) thậm chí thu về 194 triệu USD nhờ bán bản quyền, qua đó cho thấy sự nổi tiếng về phương pháp học qua ví dụ thực tế của trường.


Một cuộc thảo luận tại Harvard

Một cuộc thảo luận tại Harvard

Theo quan điểm của các giáo sư trường Harvard, nếu bạn muốn hiểu rõ về thị trường tiền tệ thì bạn phải vào vai của bộ trưởng tài chính, nếu bạn muốn nghiên cứu về thương mại điện tử thì cần đóng giả làm ông chủ của Alibaba hay Amazon.

Với việc đối mặt những thử thách thực sự trong kinh doanh, luật, y học cũng như trong cuộc sống thông qua các ví dụ điển hình cũng như quá trình nhập vai, sinh viên sẽ cảm thấy hào hứng hơn khi phân tích tình huống cũng như hiểu được họ cần những kỹ năng gì và bài học trên lớp giúp ích như thế nào cho thực tế.

Điều khá thú vị là quá trình nhận xét của giáo viên đối với bài trình bày cũng như đánh giá cho điểm không dựa trên kết quả đúng sai. Trên thực tế, mỗi nhóm làm việc đều cho ra những cách nhìn và diễn giải khác nhau, qua đó kích thích sự sáng tạo của sinh viên.

Việc đánh giá của giáo viên chủ yếu dựa trên công sức tìm hiểu, phân tích cũng như hướng giải quyết sáng tạo của nhóm. Thêm vào đó, những lý thuyết được giảng dạy và được học sẽ được áp dụng ra sao vào bài thuyết trình tình huống nhập vai cũng đóng vai trò quan trọng.

Có thể thấy rõ, Harvard không khuyến khích việc học thụ động cũng như cày cuốc cần mẫn mà là sự sáng tạo, tính hiệu quả trong công việc. Dù có lượng sách và tư liệu đồ sộ nhưng Harvard không khuyến khích học sinh thức đêm thức hôm trong thư viện. Thay vào đó, các giáo sư khuyến khích học sinh tự học, trải nghiệm và khám phá những kỹ năng cho bản thân thông qua các dự án cũng như ví dụ thực tế.


Cuộc sống tại Harvard không hề buồn tẻ và quá áp lực

Cuộc sống tại Harvard không hề buồn tẻ và quá áp lực

Hàng loạt những người nổi tiếng như Bill Gates hay Mark Zuckerberg thậm chí đã bỏ ngang khi học ở Harvard để theo đuổi đam mê của mình, những niềm vui mà ban đầu chỉ là các dự án tại trường học.

Thêm vào đó, hàng loạt những hoạt động, hội ngoại khóa tại Harvard hay những trường đại học hàng đầu của Mỹ cũng nhằm hạn chế tình trạng quá tải cho sinh viên.

Một cử nhân tốt nghiệp ra trường không phải là những người cận lồi, yếu kém về sức khỏe và không có kinh nghiệm thực tế. Trường Harvard muốn học sinh của họ là những người năng động, có trải nghiệm thực tế, sáng tạo và hoàn thiện cả về tri thức lẫn thể chất.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM