Vì sao nơi có chi phí sinh hoạt "cắt cổ" nhất lại là các tỉnh nghèo đói như Tây Bắc?

30/03/2016 17:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong danh sách các địa phương có chi phí sinh hoạt "cắt cổ" nhất thì top 5 ghi nhận đến 4 tỉnh Tây Bắc.

Mới đây, Tổng cục thống kê có lẽ đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi công bố kết luận địa phương có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước là Lai Châu, xếp trên Hà Nội 1 bậc và TPHCM đến 5 bậc.

Tuy nhiên, Lai Châu không phải trường hợp quá hi hữu hay ngoại lệ.

Trong danh sách các địa phương có chi phí sinh hoạt "cắt cổ" nhất thì top 5 ghi nhận đến 4 tỉnh Tây Bắc, gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai.

Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM tỏ ra "không quá vượt trội" khi lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 6.

Lõi nghèo của Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Tây Bắc chính là thách thức lớn nhất trong xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là lõi nghèo của Việt Nam.

Tỷ lệ hộ nghèo đều cao, từ 20-30%. Nếu xét theo tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh thông tin thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều.

(Hội nghị bàn biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc, tháng 12/2015)

Các tỉnh miền núi Tây Bắc hầu hết là tỉnh nghèo nhất nước, thu nhập người dân thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao (ở mức 18,2% năm 2014) nhưng từ giá hàng hoá thực phẩm, rau xanh đến hàng tiêu dùng.... đều đắt hơn rất nhiều so với các địa phương khác, đặc biệt là vùng đồng bằng. Điều này nghe có vẻ nghịch lí.

Theo giải thích từ đơn vị thống kê, những tỉnh miền núi phía Bắc không tự sản xuất được hàng hóa, tốn nhiều chi phí vận chuyển từ miền xuôi lên. Ngoài ra, hệ thống phân phối của vùng này rất phân tán, chi phí duy trì hệ thống phân phối cao…

Gốc rễ của lời giải thích này nằm ở bài toán mất cân đối trong cung - cầu hàng hóa quá lớn ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Và kết quả này không phải mới xảy ra năm nay, mà đã diễn ra từ nhiều năm.

Các địa phương này thường không phát triển được sản xuất tại chỗ. Địa hình núi cao và chia cắt không phù hợp phát triển chăn nuôi. Trồng trọt cũng hạn chế vì diện tích đất cho nông nghiệp thấp do chủ yếu là đồi núi. Sản xuất công nghiệp lại càng trì trệ.

Sản xuất tại chỗ không phát triển tất yếu dẫn đến việc nhập về hàng hóa từ địa phương khác, những nơi có điều kiện sản xuất tốt hơn hoặc là đầu mối giao thương.

Lúc này, hạ tầng giao thông đóng vai trò cực kì quan trọng trong phát triển kinh tế - thương mại của cả vùng. Nhưng đây lại là điểm yếu tiếp theo của khu vực Tây Bắc.

Đường sá hiểm trở, địa hình núi cao và chia cắt, hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhất là các tuyến đường liên huyện - liên xã - liên thôn bản, khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và mất quá nhiều thời gian. Chi phí vận tải vì thế bị đẩy lên rất cao.

Hệ thống phân phối ở các tỉnh miền núi Tây Bắc cũng tương đối phân tán. Khoảng cách từ chợ này đến chợ kia đôi khi là... mấy quả đồi. Chính vì vậy, hệ thống phân phối các địa phương này chỉ dừng ở các cấp cao, tập trung nhiều ở trung tâm tỉnh hoặc huyện, khó phân tán rộng khắp ra các xã, thôn bản.

Ngoài ra còn có các chi phí khác như hao hụt do vận chuyển, dự trữ lưu kho hay phân phối nhỏ hơn đến các bản, làng trong tỉnh.

Kết quả là, chi phí thương mại, chi phí luân chuyển hàng hoá, chi phí kho bãi, chi phí hao hụt... tất tần tật được thương lái cộng dồn vào chi phí bán hàng, đẩy giá cả hàng hoá lên cao.

Thế nên mới có chuyện đồng bào Tây Bắc phải mua mớ rau, cân gạo đắt hơn người thành phố như Hà Nội, Sài Gòn.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM