Vì sao nhiều tập đoàn của Mỹ không còn 'nuông chiều' cho phép nhân viên làm việc ở nhà như trước?

11/07/2017 13:42 PM | Xã hội

Dù nhiều tập đoàn lớn không quá khắt khe về thời gian làm việc với nhân viên nhưng hầu hết các ông chủ ngày nay muốn cấp dưới của họ có mặt tại văn phòng hầu hết trong ngày, hay ít nhất cũng nhìn thấy họ khi cần đến công việc gì đó.

Năm 2016, ông Richard Laermer, chủ một hãng quan hệ công chúng có trụ sở tại New York quyết định cho nhân viên làm việc tự do tại nhà bởi theo vị giám đốc này, cấp dưới của ông không nên bị ràng buộc tại văn phòng khi họ có thể hoàn thành công việc tại bất kỳ đâu.

Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát khi rất nhiều nhân viên vắng mặt hàng giờ liền bất chấp những cuộc gọi khẩn từ các đồng nghiệp hay cấp trên. Thậm chí nhiều cuộc họp quan trọng của hãng diễn ra trong tình trạng vắng mặt những nhân sự chủ chốt do họ bận đi “công tác”.

Chỉ 10 tháng sau khi ban hành quy định làm việc tự do, ông Laermer buộc phải thu hồi quyết định này và yêu cầu toàn thể nhân viên đi làm đúng giờ.

Câu chuyện của ông Laermer không phải là ngoại lệ. Trong suốt 20 năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo điều kiện cho nhiều nhân viên có khả năng hoàn thành công việc tại gia mà không phải đến công ty. Sự bùng nổ của các startup cùng với tư tưởng thoải mái trong giới lao động trẻ đã thổi bùng xu thế làm việc tự do.

Tuy nhiên, hiện nhiều công ty đang xem xét lại quy chế này. Dù nhiều tập đoàn lớn không quá khắt khe về thời gian làm việc với nhân viên nhưng hầu hết các ông chủ ngày nay muốn cấp dưới của họ có mặt tại văn phòng hầu hết trong ngày, hay ít nhất cũng nhìn thấy họ khi cần đến công việc gì đó.

Số liệu khảo sát của hiệp hội quản lý nguồn nhân lực (SHRM) cho thấy 60% số công ty hiện nay chấp nhận một số loại hình lao động từ xa, cao hơn so với mức 20% của năm 1996, nhưng có đến 77% hãng cho biết họ không chấp nhận việc nhân viên làm tại gia toàn thời gian. Hầu hết các công ty chỉ chấp nhận việc không đến văn phòng với những nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt, ở xa hoặc làm những mảng đặc thù không thể lên văn phòng thường xuyên.

Trong vài thập kỷ qua, công nghệ và những ứng dụng trò chuyện đã khiến việc làm tại gia trở nên dễ dàng hơn. Năm 2013, cuộc khảo sát của Viện Pew cho thấy thời gian làm việc linh hoạt là một trong những yếu tố chủ chốt trong việc chọn nghề của các lao động. Thậm chí nhiều nghiên cứu cho rằng việc làm tại gia có thể giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.

Ngoài ra, nhằm thu hút thêm nhân viên, giữ chân người tài cũng như cắt giảm các chi phí bất động sản, việc để các nhân viên làm việc tại nhà dần trở nên phổ biến với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những startup chưa có đủ tài chính cho các văn phòng chính thức.

Mặc dù vậy, tình hình hiện nay đã khác khi cuộc khảo sát của Deloitte năm 2016 cho thấy chỉ có 38% các doanh nghiệp cố định chức năng làm việc của lao động theo nhóm cụ thể, vốn là yếu tố thuận lợi cho làm việc tại gia. Trái ngược lại, hầu hết các công việc hiện nay có sự tương tác rất cao giữa những nhóm lao động khác nhau và điều này yêu cầu các nhân viên cần phải đến công ty tương tác thay vì ngồi nhà làm nhiệm vụ của mình.

Tập đoàn International Business Machines Corp (IBMC) là một ví dụ khi đầu năm nay, hãng đã buộc 2.000 nhân viên phải đi làm đúng giờ trên công ty thay vì giải quyết công việc tại gia. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu của hãng này đã giảm liên tiếp 20 quý và các giám đốc cho rằng việc tạo sự thoải mái quá mức cho cấp dưới là không còn cần thiết, thậm chí đôi khi phản tác dụng.

Điều trớ trêu là năm 2012, báo cáo thường niên của IBMC cho thấy việc để các nhân viên tự do về thời gian làm việc giúp cải thiện năng suất cũng như tiết kiệm chi phí cho hãng.

Bất chấp việc thay đổi chính sách, IBMC vẫn cẩn thận trong việc duy trì sự thoải mái của người lao động khi xem xét cẩn thận từng trường hợp. Những nhân viên có con nhỏ hay có lý do chính đáng vẫn được hãng cho phép làm việc tại nhà nhằm duy trì tinh thần làm việc của toàn thể lao động trong công ty.

BT

Cùng chuyên mục
XEM