Vì sao nhiều người Trung Quốc tìm cách di cư sang Anh?

25/10/2019 20:09 PM | Xã hội

Cái chết của 39 người Trung Quốc trong một xe tải ở Anh khiến cả thế giới kinh hoàng. Chưa có nhiều thông tin được làm sáng tỏ về các nạn nhân, về lý do và bằng cách nào họ chấp nhận đi một chặng đường dài như vậy trong một chiếc xe tải đông lạnh.

Một vụ điều tra theo hướng giết người đang được triển khai. Văn phòng công tố liên bang Bỉ cũng mở cuộc điều tra riêng. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi phải truy tìm và đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ việc ra trước công lý.

Nhưng có một câu hỏi khiến nhiều người bối rối: Vì sao công dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi theo cách đó để đến Anh, bằng cách tự nguyện hay bị ép buộc?

Theo tổ chức nghiên cứu MPI, trong gần 258 triệu người di cư trên thế giới thì có 10 triệu công dân Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành nước xếp thứ tư thế giới về số lượng di dân quốc tế.

Hầu hết số đó, khoảng 2,5 triệu người, tìm sang Mỹ, còn 712.000 sang Canada và 473.000 sang Úc.

Theo MPI, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây càng làm tăng dấu dân kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc khắp thế giới.

Ví dụ, năm 2018, hơn 730.000 visa được chính phủ Anh cấp cho người Trung Quốc, tăng 11% so với năm trước.

Người di cư là ai?

Có một giả định rằng người di cư là người nghèo nhất trong xã hội, đi tìm kiếm việc làm đòi hỏi tay nghề thấp hoặc chạy trốn khủng bố. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhất là với người di cư từ Trung Quốc.

“Người di cư từ Trung Quốc rất đa dạng, từ tay nghề thấp đến tay nghề cao”, bà Natalia Banulescu-Bogdan, phó giám đốc chương trình quốc tế của MPI, nói với CNN.

Những người Trung Quốc tìm đường sang châu Âu hoặc Mỹ không phải những người nghèo nhất trong những người nghèo, vì những chuyến đi như vậy rất tốn tiền, dù bằng con đường hợp pháp hay phi pháp, bà Banulescu-Bogdan nói.

Nếu đi qua con đường hợp pháp, họ phải làm hộ chiếu và xin cấp visa. Nếu qua con đường trái phép, những kẻ buôn người thu phí rất cao, và họ phải có trình độ nhất định mới hiểu được các rủi ro và cơ hội. Đi theo cách bất hợp pháp thường liên quan đến một mạng lưới rất phức tạp. Vì thế, những người di cư muốn đi theo cách này thường có người thân đang ở nước mà họ muốn đến.

Di cư từ Trung Quốc diễn ra dưới nhiều dạng. Theo các chuyên gia, nơi những người có tay nghề chọn để sống rất khác so với cách chọn của lao động tay nghề thấp.

“Có con đường di cư cho những người trình độ cao đến các trường học, trong ngành khoa học và công nghệ để đưa họ đến Mỹ và các nước thu nhập cao khác. Ngoài ra có con đường cho công nhân muốn sang châu Phi hoặc Đông Âu để làm trong ngành xây dựng”, bà Banulescu-Bogdan giải thích.

Theo MPI, đang có từ 10-20% người di cư Trung Quốc đang ở châu Phi và làm việc trong các lĩnh vực kinh tế xã hội rất đa dạng.

Ngoài ra còn có những sinh viên Trung Quốc đang học ở nước ngoài. Tại Anh, gần 100.000 visa du học hạng 4 được cấp cho người Trung Quốc.

Nhà kinh tế học Christian Dustmann, công tác tại Trung tâm nghiên cứu và phân tích di cư, trụ sở tại Anh, cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc ở Anh xuất thân từ gia đình giàu có. “Họ sẵn sàng trả phí cao và sống ở những thành phố đắt đỏ như London”, ông Dustmann nói với CNN.

Nền kinh tế bóng tối

Theo báo cáo thường niên năm 2018 của chính phủ Anh về tình trạng nô lệ hiện đại, Trung Quốc là nước xếp thứ tư thế giới về số lượng người di cư trở thành nô lệ hiện đại ở Anh. Năm 2017, 293 nạn nhân nô lệ hiện đại ở Anh đến từ Trung Quốc.

Nhưng ông Dustmann cho biết thêm rằng số người nhập cư trái phép từ Trung Quốc vào Anh vẫn nhỏ so với các nước Địa Trung Hải như Tây Ban Nha và Ý, chủ yếu vì con đường khó khăn hơn.

“Dĩ nhiên cũng có những người di cư trái phép từ Trung Quốc đến tất cả các nước châu Âu. Ý là một điểm đến phổ biến. Họ chủ yếu đến làm trong ngành công nghiệp may mặc và chấp nhận lương thấp. Ý có một nền kinh tế trong bóng tối, nơi bạn có thể tìm thấy nhiều người nhập cư từ Trung Quốc và Trung Đông”, ông Dustmann cho biết.

Theo MPI, người Trung Quốc di cư vì nhiều lý do, trong đó có chính trị, chính sách một con và mong muốn đi du học.

Họ đi theo nhiều con đường khác nhau. Một thanh niên muốn tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài có thể thuê dịch vụ vận chuyển từ điểm A đến điểm B, nhưng trên đường đi, quan hệ đó có thể biến đổi theo cách lòng vòng và khắc nghiệt hơn.

Một băng nhóm tội phạm có thể kiếm tiền từ những người này, hoặc có nhiều chân rết  từ Trung Quốc sang Anh liên quan đến không chỉ một nhóm. Một số tài xế thậm chí còn không biết mình đang được thuê để chở người.

Theo Bình Giang

Từ khóa:  trung quốc , Anh
Cùng chuyên mục
XEM