Vì sao nhà đầu tư Mỹ than phiền về đầu tư tại Việt Nam?

12/12/2017 15:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Một loạt những sự chồng chéo giữa các quy định cũng như những khó khăn mà các Luật, Dự thảo, Nghị định...mới gây ra đã được vị đại diện Amcham 'vạch mặt chỉ tên' tại buổi hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".

FDI là nguồn vốn lớn, đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Như hệ quả, pháp luật trong nước cũng đã có những ưu tiên 'hết nấc' dành cho các nhà đầu tư mang dòng vốn này tới cho nền kinh tế.

Ví dụ, có một cam kết quan trọng được Chính phủ nước ta đặt ra đối với nhà đầu tư nước ngoài là Nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi sự đảm bảo đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi. Nếu sự đảm bảo theo chiều hướng không có lợi cho nhà đầu tư thì quy định cũ vẫn sẽ được áp dụng. Đây chính là quy định tại Điều 13 Luật đầu tư 2014.

Thế nhưng, mới đây, chính các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi này đã phải lên tiếng than 'chính sách' vẫn khó.

Cụ thể, tại buổi hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội đã kể ra thực trạng các thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) vẫn thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả và sự đối xử không công bằng giữa các khu vực. Thực tế này khiến cho các thành viên AmCham vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư tại Việt Nam.

Không chỉ là những lời nói, ông Adam Sitkoff đã đưa ra một loạt các dẫn chứng về sự chồng chéo khó hiểu các Luật, Dự thảo Luật, Nghị định...ở Việt Nam. Có thể kể đến như Dự thảo Luật An ninh mạng được vị Giám đốc cho là 'rất đặc biệt', khi mà ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, dự thảo cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet - một điều đã được quy định bởi các luật khác.

Vì sao nhà đầu tư Mỹ than phiền về đầu tư tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn nhất để đầu tư trong con mắt của các nhà đầu tư Mỹ đang hoạt động tại ASEAN.

Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những 'không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp nước ngoài', theo ông Sitkoff.

Với Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, Giám đốc người Mỹ cũng chỉ ra một số điều khoản không hề tương thích với Luật Dược. Hơn nữa, việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.

Các điều luật áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt bị đại diện Amcham chỉ ra như là một thực tế không thông dụng theo quy chuẩn nước ngoài. Trong khi đó, yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến tốn một khoản chi phí cao hơn mà không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm.

Điểm cuối cùng mà vị Giám đốc cất lời phàn nàn là về hoạt động Ngân hàng. Ồng lưu ý rằng khi tiến hành thực hiện Bộ Luật dân sự mới của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định ngân hàng mới tạo ra những thách thức lớn cho các công ty nước ngoài.

Một điển hình chính là Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam nữa. Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết và ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

Tổng kết lại, ông Adam Sitkoff cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến một môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cần làm được nhờ những hành động thực tế giúp tăng năng suất, giảm chi phí, rủi ro khi kinh doanh. Khi đó, các quyết định đầu tư mới sẽ được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn, công bằng hơn và các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với nhau dựa trên những giá trị thực sự

Tuyệt nhiên, điều này không nên là các thay đổi trong chính sách và pháp luật vô hình chung khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư, làm gia tăng quan ngại khi quyết định đổ tiền của mình vào Việt Nam.

Hiện tại, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài thì khu vực đầu tư nước ngoài có những đóng góp lớn, có tính vượt trội hẳn so với những thành phần kinh tế khác, đối với việc phát triển kinh tế, xã hội như chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Vì thế những chính sách hỗ trợ tốt cho khu vực này là rất cần thiết.

Theo số liệu cập nhật nhất từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) vào 7 tháng đầu năm 2017, FDI từ Mỹ rót vào Việt Nam có trị giá 9,3 tỷ USD, xếp thứ 9 trong toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ có đổ vốn FDI vào Việt Nam. Trong số các nhà đầu tư Mỹ, tên tuổi đáng kể nhất chính là Intel.

Quảng Đức

Cùng chuyên mục
XEM