Vì sao người dân Thụy Sĩ từ chối "không làm vẫn có ăn"?

08/06/2016 10:40 AM | Kinh tế vĩ mô

Cuộc bỏ phiếu thu hút sự quan tâm của cả thế giới tại Thụy Sĩ về trợ cấp hàng tháng suốt đời đã cho kết quả không ngoài dự đoán khi đa số người dân quốc gia châu Âu này “nói không” với việc “không làm vẫn có ăn”.

Dù kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-6 vừa qua tại Thụy Sĩ chưa được công bố, song theo dự báo thì có khoảng 77% số người tham gia bỏ phiếu đã phản đối đề xuất Nhà nước Thụy Sĩ chu cấp hàng tháng cho mỗi công dân từ khi sinh ra cho đến khi qua đời một khoản tiền đủ sống mà không có bất cứ điều kiện nào kèm theo. Chỉ có khoảng 23% nói đồng ý trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Thụy Sĩ cũng như trên toàn thế giới về vấn đề này.

Ý tưởng về trợ cấp thu nhập cơ bản hàng tháng vô điều kiện (UBI) do một nhóm công dân độc lập tại Thụy Sĩ đề xuất. Theo đó, mỗi người Thụy Sĩ trưởng thành sẽ nhận được khoảng 2.500 francs Thụy Sĩ (tương đương 2.500 USD) mỗi tháng trong khi đối với mỗi trẻ em là 625 francs Thụy Sĩ và để đáp ứng chính sách này, ngân sách Thụy Sĩ phải chi 208 tỷ francs/năm, tương đương với 35% GDP.

Những người đề xuất ý tưởng trên cho rằng, việc cấp một khoản thu nhập như vậy sẽ giúp chống đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội hiện nay. Khoản tiền này đủ để mọi công dân chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không có kế sinh nhai, giúp mỗi người lựa chọn được công việc ưa thích, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp cho việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh.

Tuy nhiên, rất nhiều người khác đã phản đối ý tưởng trên dù rằng Thụy Sĩ hiện là quốc gia đang đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc với một hệ thống phúc lợi xã hội tốt bậc nhất cùng thu nhập đầu người ở mức rất cao, hơn 57.000 USD/người/năm.


Tấm biểu ngữ khổng lồ được trải trên mặt đất tại Geneva nêu câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu thu nhập của bạn được bảo đảm suốt đời?”

Tấm biểu ngữ khổng lồ được trải trên mặt đất tại Geneva nêu câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu thu nhập của bạn được bảo đảm suốt đời?”

Họ cho rằng thực hiện UBI sẽ phá hoại hệ thống an sinh xã hội vốn hoạt động rất ổn định và tốt đẹp của đất nước, đồng thời khuyến khích những người có suy nghĩ “không làm vẫn có ăn”.

Kết quả người phản đối UBI áp đảo so với số người ủng hộ tương tự như cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Thụy Sĩ khi chỉ có 19 phiếu thuận trong khi có 157 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Còn tại Thượng viện, chỉ duy nhất nghị sĩ đảng Xã hội Anita Fetz là ủng hộ đề xuất, trong khi toàn bộ các thượng nghị sĩ còn lại bỏ phiếu chống.

Bên cạnh lo ngại UBI phá hoại hệ thống an sinh xã hội, những người phản đối cho rằng làm như vậy sẽ phá vỡ mối liên kết giữa lao động và tiền lương, tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho xã hội.

Đáng lo hơn, theo nghị sĩ đảng Tự do PLR Laurent Wehrli, dự án UBI quá mơ hồ và có thể đặt nền kinh tế Thụy Sĩ vào tình trạng nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là đại đa số người dân Thụy Sĩ lo ngại, UBI có thể tạo ra tư duy ỷ lại “không làm vẫn có ăn”, đe dọa tương lai bởi nước này không phải là một “ốc đảo” và với biên giới mở, sẽ có “hàng tỷ người tìm cách tới đất nước này”.

Trong khi đó, mặc dù đa số người dân nói không với UBI song những người ủng hộ đề xuất ý tưởng này vẫn cho cuộc bỏ phiếu ngày 5-6 là một thành công vì với hơn 20% số người ủng hộ ở thời điểm hiện tại thì ý tưởng có thể thành hiện thực trong vòng 7-10 năm tới tại Thụy Sĩ.

Hoàng Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM