Vì sao người dân đi đường cũ phải trả phí bù cho đường BOT mới?

31/05/2016 15:40 PM | Kinh tế vĩ mô

"Tôi có sử dụng đường BOT thì tôi mới trả. Việc trả phí này không thể trả theo kiểu như phí BHXH, BHYT cứ đóng góp vào rồi san sẻ cho nhau được!".

Tại buổi tọa đàm về “Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT ” do Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 30/5, nhiều ý kiến cho rằng, đường giao thông huyết mạch thì phải do nhà nước làm bằng tiền thuế và không được thu phí. Dân có quyền chọn lựa đi đường quốc lộ hoặc đường BOT.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, một trong những khách mời tham dự buổi tọa đàm đã đặt câu hỏi: Tại sao không có đường BOT song song với đường quốc lộ?

“Hiện giờ có hướng ép dân đi đường BOT. Ví dụ, cầu Hạc Trì vừa xong thì cấm ô tô đi cầu Việt Trì; đường từ thành phố Quy Nhơn tới sân bay Phú Cát trước giờ vẫn lưu thông tốt và chỉ phải đi qua QL1 khoảng 1km nhưng giờ trạm phí BOT đặt ngay vị trí giao nhau nên xe 4 chỗ phải trả 70 nghìn đồng cho lượt đi và về cho đoạn đường 1km này...”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về việc: Có chuyện thu phí đường cũ, cầu cũ để bù cho việc làm BOT ở đường mới, cầu mới hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, chuyện thu phí các dự án cũ bù cho các dự án mới được coi là một giải pháp có thể chấp nhận được.

Ông Trường giải thích: Tức là nếu chúng ta chỉ thu ở đường BOT không thì xe sẽ đi vào đường không thu phí, nếu như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để đầu tư đường mới.

Do đó, nhà nước đưa ra giải pháp là cho phép đầu tư nâng cấp cả tuyến cũ, đồng thời xây dựng tuyến mới; khoản tiền thu đó sẽ được chia đều cho cả 2 tuyến đường, tuy thu hai bên nhưng tiền chỉ tương đương với thu một bên.

“Như vậy là chia sẻ thời gian thu phí để người dân có thể chịu đựng được trong quá trình thực hiện dự án, để nhà đầu tư thu hồi vốn được nhưng người dân cũng chịu được mức phí chứ không thể để người dân chịu gánh nặng”, ông Trường cho biết.

Không thể coi phí đường bộ như phí BHXH, BHYT

Phản bác lại ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về việc bắt buộc thu cả cái cũ để bù cho cái mới nhưng tổng là không tăng lên, ông Tuấn cho rằng: Tôi có sử dụng đường BOT thì tôi mới trả. Việc trả phí này không thể trả theo kiểu như phí BHXH, BHYT cứ đóng góp vào rồi san sẻ cho nhau được!

“Người không sử dụng dịch vụ đó mà vẫn bắt họ phải trả phí vẫn là vấn đề cần phải suy nghĩ. Cái gì nếu theo trách nhiệm của nhà nước nếu không mở rộng đường, không phải tạo cho con đường ấy một tiện ích cao hơn, chất lượng phẩm cấp cao hơn mà chỉ là giữ nguyên chất lượng phẩm cấp như cũ cái đấy thuộc về bảo trì”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, nếu như theo phương pháp san sẻ như thế này thì rất nhiều người dân sẽ khó thuyết phục họ đồng thuận, mặc dù theo con số vĩ mô mà chúng ta hay nói thì vẫn nói là chúng ta san sẻ cho nhau cái tổng mà người dân bỏ ra, nó không phải cao lên nhưng có người dân sử dụng, có người không, chúng ta phải tôn trọng quyền cá nhân của họ.

Ông Nguyễn Hồng Trường tiếp tục đưa ra quan điểm: Hiện nay chúng ta đầu tư các dự án BOT đối với đường cao tốc là rất ít. Chủ yếu chúng ta đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có. Nếu đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện có thì người dân không có sự lựa chọn.

“Đáng lý ra nếu Nhà nước có tiền thì Nhà nước đầu tư vào những tuyến đường này. Nhưng như chúng ta biết bây giờ ngân sách rất khó, mà trong đó thì yêu cầu phát triển hạ tầng cái này được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ , tức là huy động nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, mạnh các cơ sở hạ tầng”.

Theo ông Trường, đây chính là hình thức Nhà nước, Chính phủ kêu gọi người dân bằng đóng góp của mình phát triển cơ sở hạ tầng.

“Nếu chúng ta đặt vấn đề, đây là đóng góp của người dân để phát triển cơ sở hạ tầng đối với những tuyến đường hiện có mà chúng ta chưa có tiền để nâng cấp thì là 1 cách đặt vấn đề mở hơn. Nhưng đối với cao tốc thì nếu xây dựng cao tốc người dân được lựa chọn tuyến đường bên cạnh”, ông Trường cho biết.

Theo MẠNH NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM