Vì sao một số doanh nghiệp ô tô Nhật Bản muốn rút khỏi Việt Nam?

15/02/2017 17:23 PM | Kinh doanh

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, tỷ lệ nội địa hóa ô tô vẫn thấp là một trong những lý do khiến doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản muốn rời khỏi thị trường Việt Nam.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) ông Takimoto Koji cho biết một số doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam đang cân nhắc việc sẽ rời đi sang một số nước lân cận để đầu tư như Indonesia, Thái Lan, Malaysia..

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ô tô Nhật không còn “mặn mà” khi đầu tư tại Việt Nam bởi ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam không có dấu hiệu phát triển.

Đây là một thực tế khi sau 10 năm ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn ì ạch, tỷ lệ nội địa hóa ô tô vẫn thấp, phần lớn các sản phẩm linh kiện của công nghệ phụ trợ đều phải nhập khẩu.

Đại diện của JETRO cho biết công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của các công ty của Nhật Bản. Sự phát triển quá chậm của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ dẫn đến việc các nhà sản xuất ô tô Nhật chọn phương án nhập khẩu và bán lại xe nguyên chiếc thay vì nhập khẩu từng phần và sản xuất tại Việt Nam bởi nhập khẩu từng phần sẽ làm cho chi phí cao hơn.

Câu chuyện này sẽ diễn ra khi năm 2018 ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế, thuế nhập khẩu ô tô về 0%, ô tô giá rẻ khu vực ASEAN sẽ ồ ạt vào Việt Nam, việc bán xe Nhật sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh bởi ô tô giá rẻ này.

Theo ông Takimoto Koji cả 4 doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật tại Việt Nam là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki đều có tâm lý muốn nhập xe từ các nước trong khu vực ASEAN về bán thay vì nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, sản xuất vì lợi nhuận cao hơn.

Sự dậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là lý do chính khiến doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật muốn rút khỏi Việt Nam đi tìm thị trường mới.

Hiện nay quy mô thị trường xe hơi Việt Nam mỗi năm khoảng 250.000 chiếc, trong khi ở Thái Lan khoảng 2 triệu chiếc. Dây chuyền sản xuất của một hãng trung bình phải đạt khoảng 200.000 chiếc/năm thì mới có lãi.

Thị trường Việt Nam mỗi năm bán ra khoảng 250.000 chiếc xe nhưng thực chất đang bị chia nhỏ cho các hãng nên sẽ không có lợi nhuận nhiều nếu tiếp tục sản xuất thay vì nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia qua trong điều kiện thuế giảm.

Ngoài ra hiện nay doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam còn gặp một số vấn đề khó khăn như chi phí nhân công có xu hướng gia tăng, chi phí không chính thức…

Cụ thể, có khoảng 60% DN Nhật cho rằng chi phí nhân công tăng cao, các rủi ro khác như hệ thống pháp luật chưa hoàn hiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng, cơ sở hạ tầng như điện, logistics, thông tin liên lạc… chưa hoàn thiện và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp là vấn đề rủi ro. Một số DN Nhật cho rằng thủ tục hành chính như cấp phép còn phức tạp, thời gian thẩm tra không rõ ràng, mất nhiều thời gian hơn so với thông thường, cán bộ còn thiếu kiến thức.

Bên cạnh đó JETRO cho biết có khá nhiều doanh nghiệp Nhật kêu ca vì phải chi nhiều khoản chi phí không chính thức trong dịp Tết Nguyên đán 2017 của Việt Nam.

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM