Vì sao mối thâm tình 400 năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đứng trước nguy cơ rạn nứt?

17/03/2017 13:08 PM | Xã hội

Hà Lan đang vướng vào những tranh cãi lớn với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO, một đối tác gần gũi của Hà Lan và liên minh châu Âu. Mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai bên đang ở thế chông chênh nhất kể từ 400 năm qua. Nguyên nhân do đâu?

Ngày 15/3 vừa qua người dân Hà Lan tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội với mối lo ngại về mối lo sự lên ngôi của chủ nghĩa thực hữu. Còn trong vấn đề đối ngoại Hà Lan cũng đang vướng vào những tranh cãi lớn với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO, một đối tác gần gũi của Hà Lan và liên minh châu Âu. Mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai bên đang ở thế chông chênh nhất kể từ 400 năm qua.

 Nguyên nhân do đâu?

Hà Lan là 1 trong 4 quốc gia châu Âu cấm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc Mít-tinh vận động công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở các nước này ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên giọt nước làm tràn ly trong quan hệ Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ là vụ việc xảy ra hôm 11/3.

 Hai bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Hà Lan từ chối cho phép tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở nước này. Máy bay chở ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu phải vòng về Pháp. Trong khi đó, bà Fatma Betul Sayan Kaya, bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa trở lại biên giới giữa Hà Lan với Đức.

“Quyết định của Hà Lan là một vụ bê bối và không thể chấp nhận được. Nó không phù hợp với các nghi lễ ngoại giao và là quyết định thái quá về ngoại giao.” – Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu trả lời phỏng vấn.

Mâu thuẫn ngoại giao đã làm bùng phát các cuộc đụng độ tại Rotterdam, nơi cảnh sát đã phải dùng đến chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình. Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa đại sứ quan Hà Lan tại Ankara và lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì lý do an ninh. Những ngày tiếp theo là sự đáp trả kịch tính từ hai đồng minh NATO.

“Chúng tôi sẽ không thương lượng với những lời đe dọa và với những phát biểu như vậy của một bộ trưởng ngoại giao”- Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu.

“Họ sẽ phải trả giá không cách này thì cách khác”- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Đại sứ quán của Hà Lan tại Ankara bị cảnh sát bao vây, lá cờ Hà Lan trên tòa lãnh sự Istanbul đã bị một đám đông thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan thì so sánh Hà Lan với Đức quốc xá.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố Amsterdam sẽ không xin lỗi vì đã cấm các quan chức Ankara tham gia những cuộc mít-tinh nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan ủng hộ tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan. Đại sứ Hà Lan cũng bị cấm quay trở lại Ankara cho tới khi nào yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ được đáp ứng.


Vì sao mối thâm tình 400 năm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đứng trước nguy cơ rạn nứt? - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao này sẽ đưa đến những hậu quả như thế nào?

Về Kinh tế: Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan đã rớt xuống mức thấp nhất trong 4 thế kỷ qua nhưng các chuyên gia đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên áp dụng các biện pháp kinh tế. Theo văn phòng thống kê trung ương Hà Lan, kim ngạch thương mại song phương giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ lên tới gần 8 tỷ euro trong năm 2016. Hiện vẫn cần chờ xem liệu các biện pháp trừng phạt kinh tế có được đưa ra hay không, nhưng trong bối cảnh quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện trong thập kỷ qua rõ ràng lệnh trừng phạt kinh tế sẽ tác động nghiêm trọng đến cả hai bên.

Quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO nhưng tiến trình xin gia nhập liên minh châu Âu EU của nước này kéo dài vì nhiều trở ngại. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU đang xấu đi sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái. 

Việc chính quyền của tổng thống Erdogan mạnh tay trấn áp những người có liên hệ với cuộc đảo chính bất thành đã khiến châu Âu lo ngại. Cuộc cãi vã với Hà Lan hiện nay có thể khiến hồ sơ xin gia nhập EU càng khó tiến triển. Thậm chí người phát ngôn của tổng thống Erdogan, một nhân vật nhiều ảnh hưởng đã đưa ra lời bình luận trên một tờ báo rằng “Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đang là một chân trời thu hẹp”. 

Nhiều nhà phân tích cũng chung nhận định này. “Chúng ta có thể liên hệ cuộc khủng hoảng này với các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý ở Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể cả hai bên sẽ làm việc để bình thường hóa mối quan hệ sau khi các cuộc bầu cử này kết thúc. Tuy nhiên những căng thẳng đó sẽ để lại dấu vết và làm suy yếu nhận thức rằng Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu có chung một số phận” – Giáo sư chính trị Ilter Turan nhận định.

Từ nhiều năm qua Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng chứng minh rằng đất nước này là một phần của châu Âu, nhưng những gì diễn ra gần đây cho thấy Ankara đang đi theo một hướng khác, với một đường lối đối ngoại đa dạng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm củng cố quan hệ với những nước như Nga, Mỹ và các nước Trung Đông.

Cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan sẽ tiếp diễn như thế nào? Đó là điều khó dự đoán được.

 Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/4 tới về sửa đổi Hiến Pháp. Đây là lúc tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang muốn thể hiện sự mạnh mẽ, cứng rắn. Nhưng khi sự kiện này qua đi, liệu Ankara có thay đổi thái độ hay không, bởi dù sao các nước EU cũng đang là đối tác thương mại chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Để mất đối tác này là điều thiệt thòi cho cả hai bên. 

Hơn nữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ràng buộc với nhau bởi nhiều thỏa thuận khác, trong đó có thỏa thuận về điểm chốt chặn dòng người di cư. Có quá nhiều vấn đề khiến hai bên không thể quay lưng với nhau dù cho cuộc chiến tranh ngôn từ có thể nặng nề như thế nào đi chăng nữa.

Diệu Bảo (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM