Vì sao Mekong Capital đầu tư vào lĩnh vực "nhạy cảm" như cầm đồ?

18/01/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Cầm đồ là lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên, rõ ràng những nguồn lợi hấp dẫn mà ngành dịch vụ này mang lại, cũng như quy mô khổng lồ của nó và khả năng tổ chức của doanh nghiệp đã thuyết phục các nhà đầu tư của Mekong Capital xuống tiền.

Mới đây, quỹ Mekong Capital phát đi thông báo quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã chính thức rót vốn đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư F88, một công ty với mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc. Mục tiêu sẽ mở ra 300 cửa hàng trên cả nước vào năm 2020.

Tại Việt Nam, khi nhắc đến cầm đồ, mọi người thường nghĩ ngay đến những hình ảnh không mấy thiện cảm. Trên thực tế, mô hình này đã có lịch sử tồn tại từ lâu và về bản chất, phương thức thế chấp tài sản vay tiêu dùng nhanh cũng khá phổ biến tại các quốc gia phát triển. Hình thức hoạt động này phù hợp với những người cần các khoản tiền gấp nhưng không muốn làm các thủ tục phức tạp tại ngân hàng và cũng không muốn đi vay bạn bè.

Theo số liệu về tín dụng chính thức và tín dụng đen được TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố hồi tháng 10/2013, quy mô thị trường tín dụng đen bằng khoảng 30% tín dụng chính thức của Việt Nam, tức khoảng 50 tỷ USD.

Với quy mô lớn như vậy, thị trường cho vay của các cửa hàng cầm đồ hiện còn đang rất bỏ ngỏ bởi không nhiều công ty hoạt động chuyên nghiệp. Thương vụ rót vốn của MEF III vào F88 có thể bắt đầu cho một xu hướng mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng.

F88 cho biết, đối tượng công ty này hướng đến là những người cần vay các khoản vay nhỏ, thời hạn dưới 30 ngày và quan trọng là cần ngay lập tức. Thông thường, khách hàng chỉ cần 20-30 phút là có thể nhận tiền.

Tốc độ cho vay này rõ ràng là vô cùng thách thức đối với các tổ chức tín dụng hoạt động quy mô và bài bản như ngân hàng hay các công ty tài chính.

Dù vậy, sức hấp dẫn tài chính tiêu dùng không thể khiến giới nhà băng làm ngơ. Thậm chí, các ngân hàng còn có dấu hiệu "học hỏi" các cửa hàng cầm đồ, hút khách từ thị trường tín dụng đen. Thay vì quảng cáo gói tín dụng lãi suất ưu đãi chỉ 21%/năm, giới sale ngân hàng gần đây bắt đầu phát đi những thông điệp dễ hiểu hơn: "Cho vay lãi suất 600 đồng/1 triệu/ngày, không cần thủ tục, 10 phút có tiền".

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ khoảng 20% người dân ở Việt Nam mở tài khoản ngân hàng. Mà ngân hàng thường chỉ cho vay cầm cố những tài sản lớn, khoản vay lớn, với nhiều điều kiện ràng buộc và thủ tục ngặt nghèo. Các khoản vay vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, cần vay trong thời gian ngắn thì mô hình cửa hàng cầm đồ trở thành lựa chọn tối ưu hơn. Đây là lý do mà ở Việt Nam, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp các hiệu cầm đồ, thậm chí là cả con phố cầm đồ.

Khác với ngân hàng thương mại, mô hình cầm đồ thu lãi chủ yếu từ chênh lệch mua bán tài sản cầm cố, chứ không phải phí và lãi vay. Khâu định giá bởi vậy gần như đóng vai trò quan trọng nhất. Đây có thể là lí do khiến nhiều hiệu cầm đồ chỉ giữ đồ trong thời hạn ngắn, như F88 là chỉ 30 ngày, như một cách ngăn ngừa rủi ro.

Cầm đồ là lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên, rõ ràng những nguồn lợi hấp dẫn mà ngành dịch vụ này mang lại, cũng như quy mô khổng lồ của nó và khả năng tổ chức của doanh nghiệp đã thuyết phục các nhà đầu tư của Mekong Capital xuống tiền.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM