Vì sao lợi nhuận ngân hàng tăng... đột biến?

17/01/2018 08:49 AM | Kinh doanh

Đến thời điểm này, một số ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận có sự “lột xác” đáng kể. Trong khi khối ngân hàng thương mại nhà nước thi nhau báo lãi vượt kế hoạch thì khối ngân hàng cổ phần cũng “vọt” lên không kém.

Đồng loạt báo lãi to

Đến thời điểm này, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017. Ngân hàng Vietcombank chính thức “cán đích” dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận trước thuế lên tới 11.018 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. VietinBank có mức lãi trước thuế cũng lên tới 9.2016 tỷ đồng. BIDV khả quan không kém vượt lên chính mình so với năm trước tăng thêm hơn ngàn tỷ đưa lợi nhuận 2017 lên mức 8.800 tỷ đồng. Agribank sau bao năm “ngậm ngùi” do phải tái cơ cấu nay cũng bất ngờ bừng sáng với lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng.

Hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận trong các ngân hàng TMCP không có vốn chi phối của nhà nước tạm thời đó là Ngân hàng Quân đội (MB) với 5.355 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị trí này có thể sẽ bị “tiếm ngôi” bởi những cái tên như VPBank hay Techcombank vẫn chưa công bố. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế 2017 của Ngân hàng Á Châu (ACB) được dự báo có thể đạt 2.290 tỷ đồng. Nếu đạt được, mức lợi nhuận này sẽ đưa ACB trở về thời kỳ “hoàng kim” cách đây 8-9 năm.

Còn cách đây vài ngày, EximBank công bố đạt hơn 1.118 tỷ đồng lợi nhuận, gấp hơn 2,5 lần năm 2016. Ngân hàng mới lên sàn là HDBank cũng dự kiến cán đích lợi nhuận gần 2.000 tỷ đồng. Còn ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, sẽ vượt mốc 1.700 tỷ lợi nhuận đề ra và cán đích gần 1.800 tỷ đồng. TienPhongBank đã báo lãi 1.250 tỷ đồng. Ngân hàng An Bình lợi nhuận 600 tỷ đồng.

Lãi lớn nhờ thoát… nợ xấu

Lợi nhuận ngân hàng tăng cao đến từ đâu? Phân tích của chính giới nhà băng cho thấy, năm nay, các nhà băng đã đẩy mạnh cơ cấu tăng nguồn thu từ dịch vụ thay vì chỉ trông chờ vào tín dụng. Tại Vietcombank, VietinBank và MB, tỷ trọng thu này tăng mạnh chiếm tới vài chục phần trăm tổng doanh thu, từ đó làm gia tăng lợi nhuận. Cùng với đó, việc xử lý tốt các khoản nợ xấu sau khi đã trích lập dự phòng cũng khiến các nhà băng đương nhiên “dôi” ra một khoản đáng kể.

Còn với các ngân hàng top dưới như Eximbank hay Sacombank - vốn tụt lùi thị phần và lợi nhuận những năm qua do nợ xấu tăng mạnh- nay việc xử lý nợ xấu đã trở thành nguồn thu đáng kể đem lại kết quả tốt cho kinh doanh. Đơn cử tại Eximbank, ông Nguyễn Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank chia sẻ: 2017 là năm đầu tiên sau 3-4 năm qua Eximbank trở lại với lợi nhuận đạt trên nghìn tỷ đồng. Có được điều này nhờ Eximbank đã mạnh tay xử lý nợ xấu và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ tồn đọng trong năm 2018.

Bình luận về bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm qua, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Hệ thống ngân hàng 2017 có lợi nhuận cao đầu tiên phải kể đến nhờ tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. “Tín dụng luôn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Với mức tín dụng tăng 18,1 % trong năm nay, lợi nhuận của nhà băng tăng trưởng theo là điều đương nhiên”, ông Hiếu nói.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM