Vì sao ký hợp đồng mua hàng trăm máy bay với Boeing, Airbus nhưng đa số máy bay Vietjet đang dùng đều là… đi thuê?

23/02/2017 10:18 AM | Kinh doanh

Trong năm 2015, doanh thu từ bán máy bay của Vietjet còn cao hơn 2.235 tỷ đồng so với doanh thu từ vận chuyển hành khách, tương đương cao hơn 26%.

Cuối năm 2016, báo cáo kết quả kinh doanh của Vietjet Air có một điểm đáng lưu tâm: Năm 2014, doanh thu từ bán máy bay chỉ chiếm 20% cơ cấu doanh thu thì năm 2015, con số này lên tới 44%.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Vietjet ghi nhận doanh thu từ bán máy bay chiếm tỷ trọng 41%. Điều đặc biệt, trong năm 2015, doanh thu từ bán máy bay còn cao hơn 2.235 tỷ đồng so với doanh thu từ vận chuyển hành khách, tương đương cao hơn 26%.

Tương tự như vậy, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2017 của Vietnam Airlines tổ chức vào ngày 20/02, ban lãnh đạo đệ trình phương án Bán và thuê lại đối với 1 máy bay Boeing 787-9 và 3 máy bay Airbus 350 sẽ nhận trong 2017. Thời gian dự kiến nhận máy Boeing vào tháng 5, 3 chiếc Airbus còn lại sẽ được bàn giao dần vào các tháng 6, 9, 12 trong năm tới.

Các nghiệp vụ trên của cả Vietjet và Vietnam Airline được gọi là Sale and Leaseback (bán và thuê lại).

Trên thực tế, Sale and leaseback là một hình thức hết sức phổ biến trong ngành hàng không nhằm giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.

Một ví dụ điển hình trên thế giới là AirAsia.

Nổi tiếng là hãng hàng không giá rẻ, liên tục bán các loại vé 0 đồng, nên khi nhìn lại tháng 12/2010, trong báo cáo tài chính của AirAsia có thể thấy trong một quý, doanh số bán vé thậm chí thấp hơn cả chi phí hoạt động. Chi phí đã vượt doanh thu bán vé lên tới con số tổng cộng 4,94 tỷ ringgit (tương đương 1,1 tỷ USD) kể từ đó.

Câu hỏi đặt ra là: hãng hàng không này làm gì, kiếm tiền từ đâu mà vẫn sống khỏe? Câu trả lời là nhờ mảng cho thuê máy bay.

Hoạt động này diễn ra khá đơn giản. AirAsia là khách hàng lớn nhất của Airbus với 575 máy bay đã đặt hàng. Khoảng 401 chiếc đã được giao tới AirAsia - mức lớn thứ 2 chỉ sau hãng hàng không Indigo của Ấn Độ. Lợi thế này cho phép AirAsia có đặc quyền "mặc cả", điều chỉnh giá máy bay để đáp ứng những nhu cầu của họ.

Đây chính là lợi thế đặc biệt mang lại nguồn doanh thu bổ sung lớn cho AirAsia. Những đơn vị cho thuê máy bay như GECAS của GE hay BOC Aviation dĩ nhiên không thể đàm phán được mức giá tốt như những hãng hàng không lớn với các nhà sản xuất máy bay. Chính vì vậy bất cứ khi nào AirAsia cảm thấy mình thừa máy bay, họ có thể bán lại chúng cho những đơn vị cho thuê, rồi thuê lại và để khoản chênh lệch so với giá mua vào phần lợi nhuận trên bảng cân đối kế toán.

Vậy bản chất hoạt động bán và thuê lại máy bay diễn ra như thế nào?

Về cơ bản, một giao dịch “sale and leaseback” được tiến hành theo thứ tự như sau:

B1: Hãng hàng không (ví dụ là Vietjet) ký hợp đồng mua máy bay với các nhà sản xuất (Airbus hoặc Boeing), đồng thời phải trả trước một khoản tiền dao động từ 1-5% giá trị hợp đồng.

B2: Vietjet thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (leasing companies, chẳng hạn là GECAS) trước thời điểm nhận bàn giao máy bay.

Sau đó, tại thời điểm giao máy bay, Vietjet sẽ

(1) tiếp nhận máy bay,

(2) dùng tiền từ GECAS để thanh toán cho Airbus và

(3) chuyển giao các giấy tờ sở hữu máy bay cho GECAS. Hợp đồng thuê thường kéo dài từ 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500 ngàn đến 750 ngàn USD/tháng)

B3: Sau khi hết thời hạn của hợp đồng thuê, máy bay sẽ được trả lại cho công ty cho thuê. Trường hợp hãng hàng không kết thúc hợp đồng trước thời hạn thường sẽ phải chịu một khoản phạt.

Như vậy hãng Vietjet đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.

“Sales and leaseback” cũng là câu trả lời hợp lý cho việc một hãng hàng không giá rẻ mới vài năm tuổi như Vietjet sẵn sàng ký kết những hợp đồng mua hàng trăm máy bay.

Dẫu vậy, việc tài trợ đội bay bằng hình thức "sale and leaseback" thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỉ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM