Vì sao hàng loạt công ty Mỹ 'dứt áo' rời Trung Quốc nhưng không hồi hương?

16/07/2019 19:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Mức thuế quan Washington áp dụng với Trung Quốc vẫn chưa thể làm dấy lên làn sóng các công ty trở lại Mỹ như Tổng thống Trump kỳ vọng.

Theo số liệu được Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố mới đây, 41% các công ty Mỹ đang xem xét hoặc đã chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại . Nhưng chưa đến 6% có ý định dịch chuyển về Mỹ.

Thay vào đó, thị trường tiềm năng mà họ nhắm tới là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Philippines hoặc Mexico.

Steve Madden, nhà sản xuất giày dép và túi xách chuyển sản xuất sang Campuchia; GoPro, nhà sản xuất máy ảnh di động đang nhắm tới Mexico; Gap, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện bắt đầu xây dựng các nhà máy ở Indonesia, Việt Nam và Bangladesh; Brooks Running, nhà sản xuất giày và quần áo chạy bộ cho biết sẽ chuyển 8.000 việc làm từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay.

Vì sao hàng loạt công ty Mỹ dứt áo rời Trung Quốc nhưng không hồi hương?  - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Mỹ. (Ảnh: Getty)

Trong dòng trạng thái trên Twitter hôm 12/6, Tổng thống Trump nói rằng các công ty sẽ chuyển về Mỹ nếu thuế quan áp lên Trung Quốc tiếp tục ở mức cao.

"Tất cả họ sẽ nhanh chóng trở lại", ông viết. Nhưng các con số thống kê nói trên có vẻ khá xa vời với viễn cảnh này.

Theo ông James James Osgood, CEO kiêm Chủ tịch của Klean Kanteen, nhà sản xuất chai nước bằng thép không gỉ cho rằng nguyên nhân của thực trạng các công ty không mặn mà về Mỹ là bởi không có nhà sản xuất thay thế nào khả thi ở Mỹ.

"Có thể sẽ mất từ 5-7 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển và đào tạo nhân lực nếu các công ty tính chuyện dời dây chuyền về Mỹ", ông Osood nói. Với Klean Kanteen, họ không có vốn lưu động hoặc khả năng sinh lời để bù lỗ khoảng thời gian đó.

Với các công ty khác, Trung Quốc cung cấp đầy đủ toàn bộ chuỗi cung ứng để hỗ trợ sản xuất cho họ, nhưng Mỹ lại không có mạng lưới tương đương.

Bên cạnh đó, Mỹ đang ngày càng tập trung vào các ngành cung cấp dịch vụ thay vì sản xuất, Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết trong một báo cáo gần đây.

Ngoài ra, khoảng cách lớn giữa kỹ năng của người lao động với yêu cầu của những nhà sử dụng lao động khiến cho các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công.

Trong khi khoảng cách tiền lương của nhân công các nhà máy ở Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp những năm gần đây, chênh lệch thu nhập giữa công nhân Mỹ với công nhân các nước Đông Nam Á và Mexico vẫn đang duy trì ở một mức đáng kể. Theo số liệu của Trading Economics, mức lương trung bình hàng tháng tại các nhà máy ở Mỹ là 3.200 USD, gấp 14 lần ở Việt Nam (237 USD), 17 lần ở Indonesia (188 USD), 7,5 lần ở Thái Lan (425 USD) và 8 lần ở Mexico (400 USD).

Các quốc gia như Campuchia, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan được Mỹ ưu đãi về thương mại trong nỗ lực giúp các nước đang phát triển phát triển kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm từ các quốc gia này nhập khẩu vào Mỹ sẽ được miễn thuế. Đây chẳng khác nào miếng mồi ngon với các nhà sản xuất vốn đang bị thiệt hại nặng nề sau các đợt áp thuế liên miên khi còn "đóng quân" tại Trung Quốc.

Ông William Zarit, quan chức cấp cao của Mỹ từng làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng nhiều công ty Mỹ đang trong quá trình đa dạng hóa các chuỗi cung ứng tránh xa Trung Quốc.

"Họ hoặc đang thực hiện công đoạn này hoặc đang quyết định sẽ làm nó thế nào ở đâu và khi nào", ông Zarit nói.

Nhưng họ không muốn rời xa Trung Quốc vì đó là nền kinh tế thứ 2 thế giới và là thị trường lớn nhất cho nhiều doanh nghiệp với 1,3 tỷ người tiêu dùng.

"Là hợp lý nếu chúng tôi dịch chuyển sang Đông Nam Á hoặc Ấn Độ bởi ở đó, chúng tôi vẫn có thể dễ dàng xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc. Đó là lý do tại sao không nhiều công ty tính chuyện trở về Mỹ hoạt động", ông Zarit cho hay.

(Nguồn: USA Today)

Theo Song Hy

Cùng chuyên mục
XEM