Vì sao GDP tăng trưởng cao kỷ lục nhưng số lượng doanh nghiệp và việc làm mới tạo ra không cao tương ứng?

11/04/2018 09:00 AM | Xã hội

Quý I/2017 GDP đạt mức tăng kỷ lục của 10 năm nhưng cũng trong quý này, số lượng doanh nghiệp mới và việc làm được tạo ra không cao tương ứng. Tháng Một cũng chứng kiến lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều nhất trong 2 năm qua.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố ngày 10/4 cho biết trong bối cảnh tăng trưởng GDP cao của quý (đạt 7,48%), chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cũng đã tăng so với tháng Mười hai.

PMI tăng từ 52,5 điểm lên 53,4 và 53,5 lần lượt trong tháng Một và Hai. Nhưng PMI sau đó đã giảm trong tháng Ba, về 51,6 điểm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm đi ở khu vực sản xuất. Dù vậy, chuỗi điểm trên 50 kéo dài 28 tháng cho thấy tín hiệu tích cực của kinh doanh trong khu vực sản xuất.

Sự lạc quan của doanh nghiệp chế biến chế tạo có phần giảm đi trong quý I. Số lượng doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn quý IV là 33%, thấp hơn nhiều so với quý trước là 44,8% và gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Một tương đương cuối năm ngoái (10.839 doanh nghiệp) trước khi giảm mạnh trong tháng Hai (7.864) và Ba (8.082).

Chung cả quý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không chênh lệch nhiều với quý I/2017 (26.785 so với 26.478 doanh nghiệp). Tổng số vốn đăng ký có tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 278,5 nghìn tỷ. Vốn bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng có tăng nhẹ 1,5%, đạt 10,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, tháng Một chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều nhất trong hơn 2 năm qua, lên đến 13.300 doanh nghiệp, cao hơn tháng Một năm 2017. Quý I tính chung có 21.115 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Một vấn đề được quan tâm trong quý I là quy mô việc làm được tạo mới không tăng tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cả quý, chỉ có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi thời điểm này năm 2017 nền kinh tế, dù tăng trưởng tương đối thấp vẫn còn tạo thêm được 291,6 nghìn việc làm.

Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực Nhà nước tiếp tục giảm 1,2% trong khi ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đều ghi nhận mức tăng 3,9% và 4,5%.

Hiện tượng số việc làm mới được tạo ra ít hơn trong khi tăng trưởng vẫn cao khiến PGS.TS. Nguyễn Đức Thành tỏ ra băn khoăn. Dù rằng nhấn mạnh không vội vã phê phán sự bất nhất, nhưng ông Thành cho rằng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Thứ nhất, phải chăng Việt Nam đang phát triển kinh tế dựa trên áp dụng nhiều công nghệ cao, không cần dùng lao động? Như vậy, dù lao động giảm nhưng GDP vẫn cao. Nếu câu chuyện này là đúng, thì đây là điều đáng mừng, theo ông Thành. "Nhưng có phải là như vậy hay không?", ông nói.

Vấn đề thứ hai Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, số việc làm được tạo ra ở khu vực này, số lượng ổn định với những giá trị gia tăng phụ thuộc vào bên ngoài, trong khi đó, khu vực nội địa không phát triển được lực lượng lao động, các giá trị lao động không được lan toả, thu nhập của người lao động không tăng.

"Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh. Con số tăng trưởng đẹp nhưng liệu cái chất của nó có hay không, có thực sự lan toả đến người lao động không", ông Nguyễn Đức Thành nêu ý kiến.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM