Vì sao “đèn trời” không còn xuất hiện trên bầu trời của Việt Nam?

24/11/2016 14:22 PM | Xã hội

"Đèn trời" đã gắn liền tuổi thơ đối với những đứa trẻ thế hệ 8X-9X. Thế nhưng, nguyên nhân của việc “đèn trời” vắng bóng ở Việt Nam gần 10 năm nay bởi việc buôn bán, sản xuất có thể bị phạt từ 2-5 triệu đồng.

Đốt "đèn trời" vốn được coi là một phong tục của một số tỉnh Thái Bình, Nam Định...vào những ngày lễ, hội. Dần dần, nét đẹp này được nhân rộng ra khắp cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc.

Hình ảnh hàng nghìn chiếc "đèn trời" lung linh lấp lánh trên bầu trời đã quá quen thuộc với người dân vào những dịp lễ, đêm giao thừa, Tết thiếu nhi, Tết hàn thực, ngày xá tội vong nhân… thậm chí là những đêm tuyển Việt Nam ra sân hay ngày lễ tình yêu ở bến Hàn Quốc (Hà Nội).

Mỗi chiếc "đèn trời" bằng giấy trước khi thắp được viết lên những dòng chữ, những câu thề, ước mơ, kỷ niệm… của đôi trai gái, nhóm bạn trẻ rồi thả lên theo gió, trôi bồng bềnh giữa không gian.

Thế nhưng, chiếc "đèn trời" làm nên nét đẹp truyền thống này cũng bị coi là “vật thể lạ nguy hiểm” trên bầu trời khi là nguyên nhân của không ít vụ hỏa hoạn gây tổn thất nặng nề.

Hình ảnh bầu trời ngập ánh đèn trời đã trôi vào dĩ vãng ở Việt Nam.
Hình ảnh bầu trời ngập ánh đèn trời đã trôi vào dĩ vãng ở Việt Nam.

Do đó, ngày 17/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trên phạm vi cả nước. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2009.

Cũng theo điểm m, khoản 3 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013, hành vi tàng trữ, vận chuyển “đèn trời” sẽ bị xử phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mức phạt sẽ nặng hơn, từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán “đèn trời” quy định tại điểm b, khoản 4 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013.


Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM