Vì sao có những người lúc nào cũng tuôn trào ý tưởng còn đầu óc bạn luôn trống rỗng?

28/03/2018 21:02 PM | Sống

Những tổ chức thành công nhất có lãnh đạo nghĩ ra những ý tưởng vĩ đại. Đó chính là bí quyết khiến những tổ chức đó trở nên vĩ đại. Những tiến bộ và đổi mới họ tạo ra không rơi từ trên cao xuống.

Các lãnh đạo cấp trung của tổ chức, những người hỗ trợ cho những ý tưởng xuất sắc tỏa sáng, đang tạo ra "nhu yếu phẩm" mà tổ chức cần nhất. Họ thực hiện điều đó bằng cách xây dựng sự tương trợ giữa các đồng nghiệp. Và họ sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới các đồng nghiệp vì khi họ xuất hiện, họ khiến cả tập thể trở nên tốt hơn.

Muốn ý tưởng hay nhất giành chiến thắng, trước tiên bạn phải nghĩ ra những ý tưởng hay. Sau đó, bạn làm việc để khiến chúng thậm chí còn hay hơn nữa. Những người luôn tuôn trào ý tưởng mới làm thế nào để giúp bản thân hay cả nhóm tìm ra ý tưởng hay nhất? Sau đây là mô hình của họ:

Lắng nghe tất cả các ý tưởng

Tìm ra những ý tưởng hay, bắt đầu với việc cởi mở trong suy nghĩ để lắng nghe tất cả các ý tưởng. Nhà toán học kiêm triết gia Alfred North Whitehead nói: "Hầu hết các ý tưởng mới đều có khía cạnh ngớ ngẩn nào đó khi được nghĩ lần đầu." Trong suốt quá trình hình thành ý‎ tưởng, đóng sập cửa với bất kỳ ý tưởng nào có thể ngăn bạn tìm ra những ý tưởng hay.

Trong cuốn sách có tên Thinking for a Change từng đề cập đến một trong mười một kỹ năng tư duy để thành công khuyên mọi người học là "tư duy chia sẻ". Cùng nhau suy nghĩ nhanh chóng hơn, đổi mới hơn và có giá trị lớn hơn là suy nghĩ một mình. Suy nghĩ vĩ đại sẽ nảy sinh khi những suy nghĩ hay được chia sẻ trong môi trường hợp tác, nơi mà mọi người đóng góp, định hình và đưa lên một tầm cao mới. 

 Không bao giờ bằng lòng với một ý tưởng

Các lãnh đạo thường bằng lòng quá sớm với một ý tưởng và vận dụng ngay lập tức. Vì các lãnh đạo là những người thiên về hành động, họ muốn tiến lên. Họ muốn biến điều gì đó thành hiện thực. Họ muốn "chiếm quả đồi" hay giành lợi thế! Vấn đề là đôi khi họ cố sức chiến đấu để lên tới đỉnh đồi rồi nhận ra rằng đấy không phải quả đồi chiến lược.

Tìm ý tưởng ở những nơi bất thường

Lãnh đạo giỏi dồn hết tâm trí vào những ý tưởng. Họ luôn tìm kiếm chúng. Họ chú tâm và thực hành chúng như một kỷ luật đều đặn. Khi đọc báo, xem phim, giải trí hay lắng nghe đồng nghiệp, họ luôn tìm kiếm các ý tưởng hoặc những bài thực hành để cải thiện công việc và năng lực lãnh đạo.

Nếu bạn mong muốn tìm thấy những ý tưởng hay, bạn phải kiếm tìm chúng. Hiếm khi một ý tưởng hay lại tìm đến bạn.

Không để cá tính làm lu mờ mục đích

Khi một người bạn không ưa hay không tôn trọng đề xuất một điều gì đó, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Khả năng rất lớn là bạn gạt đi. Bạn tin tưởng câu thành ngữ "Kén vợ chọn tông". Câu thành ngữ đó không phải không đúng, nhưng nếu không cẩn thận, bạn rất dễ "vơ đũa cả nắm".

Đừng để tính cách của một đồng nghiệp khiến bạn không thấy được mục tiêu lớn hơn, gia tăng giá trị cho tập thể và giúp tổ chức phát triển. Nếu điều đó có nghĩa là lắng nghe ý kiến của những người bạn không có mối hữu hảo, hay tệ hơn, có xích mích trong quá khứ, hãy đối mặt với nó. Hãy dẹp kiêu hãnh của bạn sang một bên và lắng nghe. Trong trường hợp bạn phải loại bỏ ý tưởng của người khác, hãy bảo đảm, bạn chỉ không chấp nhận ý tưởng chứ không phải con người.

Bảo vệ những người sáng tạo và ý tưởng của họ

Các ý tưởng là những thứ dễ vỡ, nhất là khi lộ diện lần đầu. Giám đốc quảng cáo Charlie Brower nói: "Ý tưởng mới rất yếu ớt mong manh. Nó có thể bị giết bởi một nụ cười khẩy hay một cái ngáp dài; nó có thể bị đâm chết bởi một lời châm chọc và lo lắng tới chết bởi một cái nhíu mày trên trán của một nhân vật quan trọng."

Nếu bạn khao khát ý tưởng hay chiến thắng, hãy bênh vực những người sáng tạo và những cống hiến của họ cho tổ chức. Khi bạn phát hiện ra những đồng nghiệp sáng tạo, hãy ủng hộ, khích lệ và bảo vệ họ. Những người thực dụng thường bắn rơi những ý tưởng của những người sáng tạo. 

Không tự ái khi bị bác bỏ ý tưởng

Đừng tự ái khi ý tưởng của bạn không được mọi người đón nhận. Khi một ai đó tự ái trong buổi họp, điều đó có thể giết chết quá trình sáng tạo, bởi vì lúc đó cuộc thảo luận không còn tập trung vào những ý tưởng hay giúp đỡ tổ chức nữa, mà là về người đang cảm thấy bị tổn thương. Trong những lúc như vậy, nếu bạn có thể ngừng ganh đua và dồn sức cho sáng tạo, bạn sẽ mở đường để nâng khả năng sáng tạo của những người xung quanh lên một tầm cao mới.

Say mê với công việc và sẵn sàng đứng lên bảo vệ ý kiến của bạn. Nhưng cũng biết khi nào nên thỏa hiệp. Không có đam mê bạn sẽ không được đón nhận một cách nghiêm túc. Nếu bạn không bảo vệ ý kiến của mình, không ai sẽ làm điều đó hộ bạn. Đừng để những vấn đề liên quan đến nguyên tắc làm bạn dao động.

Còn một khía cạnh nữa trong việc chọn lựa ý tưởng xuất sắc nhất. Rất ít cái được gọi là "tuyệt đối" thật sự trong cuộc sống. Hầu hết các vấn đề đều liên quan đến sở thích hoặc ý kiến, chứ không phải nguyên tắc. Trong những lĩnh vực này, hãy nhận thức được rằng bạn có thể thỏa hiệp. Nếu bạn trở thành một người không thể thỏa hiệp, bạn sẽ để mất các cơ hội vào tay những người có thể.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM