Vì sao có não lớn hơn nhưng con người không thể bắt được ruồi đang bay như ếch?

03/11/2018 16:00 PM | Xã hội

Loài ếch đã tối ưu hóa bộ não của chúng để săn những con ruồi. Kỳ thực, ếch không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì đứng im.

Não của một con ễnh ương nặng khoảng 24g. Vậy não của con người nặng bao nhiêu? Gấp khoảng 60 lần con số đó. Não của một con ếch nhỏ sống trong vườn có thể bé tầm 10g. Rõ ràng là con người có lợi thế về trí tuệ đáng kể so với loài ếch.

Điều đáng ngạc nhiên là một phần lớn não bộ của bạn sẽ được dành cho khả năng thị giác và các hành động dựa theo thị giác. Để quan sát là không dễ, và để phản xạ thật nhanh với những gì bạn nhìn thấy sẽ tiêu tốn một lượng không nhỏ tế bào não của bạn.

Mặc dù trí tuệ con người đã được bồi dưỡng và tiến hóa rất nhiều, đồng thời bộ não cũng dành một lượng lớn tế bào cho hoạt động của đôi mắt và khả năng xử lý các hình ảnh mà ta thấy, hầu hết mọi người vẫn không thể bắt được con ruồi đang bay giữa không trung (bất kể họ có dùng lưỡi để bắt hay không). Con ruồi bay quá nhanh trong khi chúng ta thì quá chậm.

Vậy mà đám ếch lại làm được điều đó mỗi ngày.

Bằng cách nào mà một chú ếch nhỏ bé làm được điều này? Làm thế nào mà một con ếch với bộ não bé xíu có thể tìm thấy con ruồi, lần theo nó, tấn công rồi bắt gọn nó chỉ trong chưa đầy một giây?

Loài ếch đã tối ưu hóa bộ não của chúng để săn những con ruồi. Kỳ thực, ếch không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì đứng im. Một con ếch sẽ chết đói nếu nó đứng giữa những chú bọ đã chết: nó không có khả năng nhận ra nguồn dinh dưỡng dồi dào cách nó chỉ vài phân. Đồng thời, một chú ếch cũng có khả năng dùng lưỡi để bắt ruồi trong không trung nhanh hơn nhiều so với các con vật khác.

Bí mật của chú ếch là gì? Nó chỉ theo dõi những thay đổi trong môi trường. Nó sở hữu một bộ não có khả năng thực hiện tốt duy nhất một thứ, đó là quan sát bầu trời để tìm một con côn trùng đang bay. Bằng cách bỏ qua môi trường tĩnh và chỉ tập trung vào những điều mới, nó có khả năng bắt ruồi hiệu quả hơn nhiều so với con người.

Con người thường xuyên sử dụng chiến lược này hơn ta tưởng. Nhưng đương nhiên họ không dùng để bắt ruồi, mà là để theo kịp dòng dữ liệu khổng lồ mà họ phải vật lộn mỗi ngày. Đã bao giờ bạn bắt gặp đồng hồ công tơ mét trong ô tô nhảy từ 999 sang 1000 chưa? Có lẽ bạn còn không nhớ liệu mình có từng nhìn nó trước đó hay chưa, nhưng trùng hợp ngẫu nhiên thế nào mà bạn lại nhìn trúng nó vào đúng khoảnh khắc đặc biệt ấy. Nhưng dĩ nhiên đây lại chẳng phải sự trùng hợp.

Chúng ta liên tục dò tìm sự thay đổi trong thế giới quanh. Bạn bước chân vào nhà và ngay lập tức nhận ra điều gì đó đã thay đổi. Bạn liếc chiếc đồng hồ trên tay hàng tá lần liên tục mà không hề thực sự để ý đến thời gian, cho đến khi bạn phát hiện ra đã muộn giờ, khi đó dữ liệu này sẽ lập tức nhảy lên vị trí đầu tiên trong nhận thức của bạn.

Đúng, chúng ta cũng giống như loài ếch. Chúng ta thường dành nhiều sự chú ý đến những thay đổi. Không, chúng ta không thể bắt ruồi, nhưng chúng ta có khả năng nhận ra một nhãn hiệu bia mới trên thị trường hoặc mái tóc mới cắt của người đưa thư chỉ trong nháy mắt.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM