Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là điều tốt với Vinamilk?

06/11/2019 09:40 AM | Kinh doanh

Mới đây công ty chứng khoán FPT công bố những nhận định mới về ngành sữa và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo đó tăng trưởng của ngành có những điểm tích cực trong dài hạn.

Sau giai đoạn giảm tốc tăng trưởng nhu cầu sữa nội địa (đặc biệt là khu vực thành thị), FPTS nhận định nửa đầu năm 2019 ngành này đã có những chuyển biến tích cực hơn. Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong Qúy II/2019, sữa và các sản phẩm từ sữa tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu thị trường FMCG với mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 14,7% và 6,8% về giá trị tại khu vực nông thôn và thành thị (4 thành phố lớn). Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngành đã hồi phục trở lại.

Đồng thời, các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là bệ đỡ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành trong dài hạn.

Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là điều tốt với Vinamilk? - Ảnh 1.

Nguồn: FPTS.

Hiện tại người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang sử dụng các loại sản phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, với yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm. Do đó, nhu cầu cho các loại sản phẩm chất lượng cao như sữa organic, sữa A2, sữa chua hay sữa thực vật (đậu nành, sữa hạt…) ngày càng tăng.

FPTS cho rằng lợi thế dành cho các doanh nghiệp nắm bắt sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Các doanh nghiệp đầu ngành VNM, TH True Milk sẽ có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khi đã sở hữu được hệ thống nhà máy sữa đạt chuẩn quốc tế, cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp phù hợp nhu cầu thị trường.

Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là điều tốt với Vinamilk? - Ảnh 2.

Nguồn: FPTS.

Bên cạnh đó, sản phẩm sữa thực vật được dự báo sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2022 (theo Euromonitor). Lợi thế sẽ thuộc về đường Quảng Ngãi (QNS), doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành tại Việt Nam.

Hưởng lợi từ chiến tranh Mỹ- Trung

Kết quả kinh doanh của Vinamilk số liệu về doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2019 đạt lần lượt 14.610 tỷ đồng ( tăng 6,3% so với cùng kỳ) và 2.903,8 tỷ đồng ( tăng 8.4% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong quý II đạt 48% cao hơn cùng kỳ 47,1% nhờ Vinamilk đã tăng giá bán tất cả sản phẩm bình quân 2% do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Hiện chi phí nguyên liệu tăng nhẹ chiếm 56,5% tổng chi phí sản xuất. Giá nguyên vật liệu sữa đầu của Vinamilk tăng nhẹ lên 3.000-3.300 USD/tấn (tăng 7-17% so với cùng kỳ) đối với sữa WMP ở New Zealand, và sữa WMP ở Mỹ tăng lên 3.271 USD/tấn (tăng 9%). Vinamilk đánh giá tuy giá sữa nguyên liệu có tăng trong đầu năm 2019 nhưng xu hướng đang giảm có thể do ảnh hưởng căng thẳng Trung – Mỹ và qua đó nếu giá sữa nguyên liệu tiếp tục giảm thì VNM sẽ có lợi thế cho đợt chào mua nguyên liệu tháng 10.

Lũy kế nửa đầu năm, ông lớn ngành sữa đạt mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 27.840,5 tỷ đồng (tăng 7,6% so với cùng kỳ) và 5.701 tỷ đồng ( tăng 6,34% so với cùng kỳ) qua đó hoàn thành 51,9% kế hoạch doanh thu và và 54% kế hoạch lợi nhuận.

Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là điều tốt với Vinamilk? - Ảnh 3.

Nguồn: FPTS.

Nếu xét theo thị trường, hiện mảng kinh doanh nội địa của Vinamilk khả quan trở lại khi doanh thu nửa đầu năm 2019 đạt 23.636,5 tỷ đồng (tăng 6,4% yoy) với biên lợi nhuận gộp đạt 47,6% nhờ thị trường sữa ở Việt Nam có sự phục hồi trở lại so với cùng kì năm trước. FPTS cho biết thị phần của VNM trong nước tăng +0,9% so với cùng kì nhờ tăng cường marketing, khuyến mãi; tăng độ phủ điểm bán 8% so với cùng kỳ năm ngoái và ra mắt nhiều sản phẩm mới được thị trường đón nhận tốt.

Mảng xuất khẩu Vinamilk tăng trưởng nhờ mở rộng ASEAN: Doanh thu nửa đầu năm 2019 đạt 4.151,7 tỷ đồng (tăng 14,8% so với cùng kỳ) với biên lợi nhuận gộp đạt 46,3%, hiện VNM vẫn tập trung thị trường Đông Nam Á như Phillipines, Myanmar, Cambodia,…

Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại là điều tốt với Vinamilk? - Ảnh 4.

Nguồn: FPTS.

Bên cạnh đó, "Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc" đã diễn ra vào tháng 9/2019, FPTS kỳ vọng qua đó triển vọng xuất khẩu của VNM tại thị trường 1,4 tỷ dân thông qua phân phối của chuỗi siêu thị lớn như Hema của Alibaba, Dennis Department Store,v.v. sẽ giúp cho công ty này đạt được kế hoạch tăng cơ cấu xuất khẩu sữa lên 25% vào 2021-2022.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM