Vì sao các nhân sự trẻ dễ chán việc? Bạn có đang chán không? Chuyên gia nhân sự này sẽ lý giải và bày cách vượt qua

15/06/2017 10:03 AM | Kinh doanh

Chúng ta thường không chịu trách nhiệm cho nỗi chán mà thường đổ lỗi cho các yếu tố: Công ty không đào tạo, như sếp không chăm lo, đồng nghiệp mình không vui. Chán là trách nhiệm của bản thân người đó.

Đó là chia sẻ của chị Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, trong chương trình Cafe8, livestream trò chuyện độc quyền cùng người nổi tiếng trên fanpage CafeBiz.

- Chào chị, được biết Anphabe là đơn vị tổ chức khảo sát Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam hàng năm. Năm 2016, Anphabe giới thiệu mô hình Nguồn nhân lực hạnh phúc đo lường mức độ hạnh phúc của người đi làm. Vậy chị định nghĩa thế nào là hạnh phúc? Chị có thể chia sẻ thêm về mô hình đo lường nguồn nhân lực hạnh phúc của Anphabe?

- Theo tôi, hạnh phúc có thể trừu tượng. Mỗi người có khái niệm khác nhau. Nhưng ai cũng muốn hạnh phúc trong cuộc sống và công việc. Một công ty cũng cần tìm hiểu xem thế nào là hạnh phúc cho nhân viên, tìm hiểu đâu là yếu tố tác động đến chỉ số hạnh phúc và tạo ra một môi trường hạnh phúc.

Sau 4 năm nghiên cứu và kết hợp với nhiều đối tác, Anphabe đã đưa ra kết luận về các yếu tố tạo nên hạnh phúc. Đó là gắn kết về lý trí, tình cảm và chuyển đổi thành động lực để xây dựng công ty và trung thành hơn với công ty này. Khi người đi làm hạnh phúc, họ có sự vui sướng với trải nghiệm của họ và tạo ra những giá trị tích cực cho công ty.

- Khảo sát Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2016 tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực đa thế hệ, đặc biệt những thách thức trong quản lý nhân tài Gen Y (sinh từ năm 1986 – 2000). Từ kết quả khảo sát đưa ra, xin chị cho biết chỉ số hạnh phúc của thế hệ trẻ khác gì so với những thế hệ trước đó?

- Khi nói về mức độ hạnh phúc, có một điểm đáng lo ngại. Trong 26.000 người mà Anphabe khảo sát thì có tới 41% các bạn trẻ không thực sự hạnh phúc trong công việc. Nghĩa là họ không gắn kết về lý trí, tình cảm hay không trung thành, nỗ lực với công ty. Đây là điều khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ khó thu hút được gen Y giỏi và giữ chân họ còn khó hơn.

- Có quan điểm cho rằng, người trẻ tuổi bây giờ “khó chiều hơn” và đòi hỏi nhiều hơn so với thế hệ trước đó, chị có đồng ý với quan điểm này không?

- Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi rằng, các bạn trẻ Gen Y giờ không chỉ khó chiều đâu mà còn khó hiểu. Vì sao họ khó chiều và khó hiểu như vậy? Đó là động lực để Anphabe thực hiện khảo sát năm ngoái.

Anpha chuyên đi tìm hiểu về sự khác biệt trong nguồn nhân lực. Thế hệ là các bạn sinh ra cùng một thời điểm 1986 là rất đặc thù và đặc biệt đối với đất nước ta. Nước ta chuyển đổi nền kinh tế, có rất nhiều cơ hội. Nền kinh tế đi lên, các bạn sinh ra sau 1986 điều kiện tốt hơn nhiều, khả năng tiếp cận kiến thức cũng tốt hơn rất nhiều. Cách bố mẹ chăm sóc các bạn ấy cũng rất khác.

Ví dụ như thời của chúng tôi thì sống với phương châm: Có công mài sắc, có ngày lên kim; Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Nhưng thế hệ Gen Y thì là những câu: yolo, đời chỉ sống một lần, thích thì nhích.

Khi Gen Y chia sẻ với bố mẹ về những khó khăn thì nhiều phụ huynh nói: Về đây mẹ nuôi. Còn thế hệ của chúng tôi thì bố mẹ lại nói rằng: Phải cố lên con, có làm thì có ăn. Hai quá trình lớn lên rất khác nhau tạo nên quan điểm, thói quen, kỳ vọng rất khác nhau. Các bạn Gen Y khó hiểu vì sinh ra trong một quá trình quá khác. Vậy nên những người làm quản lý phải hiểu được Gen Y thì mới chiều các bạn Gen Y được.

- Rõ ràng là mình đã nhìn ra sự khác biệt giữa 2 thế hệ này, có thể là do hoàn cảnh hoặc cách nuôi dạy khác nhau. Vậy đứng ở góc độ một doanh nghiệp, họ làm sao để khắc phục được sự khác biệt về hoàn cảnh?

- Theo tôi, mỗi thế hệ có điểm mạnh khác nhau. Các em có kiến thức rộng còn thế hệ của chúng tôi là sâu. Gen Y làm nhanh và có những phương thức mới hơn, sáng tạo hơn so với một số bó hẹp trong những mối quan hệ so với thế hệ trước. Gen X mà muốn làm việc với Gen Y là phải hiểu họ. Chúng tôi hay có 3 chữ ABC: Awareness, Be friend, Communication (Hiểu, làm bạn và giao tiếp).

- Chị cho rằng lãnh đạo nên làm bạn với nhân viên, nói thì dễ nhưng làm có vẻ khó bởi sự chênh lệch về tuổi tác, quan điểm làm việc. Vậy làm sao nhà quản lý có thể làm bạn với nhân viên?

- Làm bạn với nhân viên cần phải hiểu có sự khác biệt nhất định với nhân viên thì mới có những nỗ lực để làm bạn với họ. Tôi nghĩ có nhiều mẹo nhỏ nhỏ. Ngày xưa, tôi không biết lạc trôi là gì, thì mình phải đi tìm hiểu để tiến gần với các bạn hơn để hiểu các bạn đang hay sử dụng ngôn ngữ gì, học cách giới trẻ suy nghĩ, cách giới trẻ làm nhanh gọn, nhanh chóng.

- Các bạn trẻ thích nhanh gọn, nhanh chóng, vậy là các bạn ấy dễ đến và dễ đi. Tỉ lệ nhảy việc của người trẻ tuổi ngày càng tăng. Nhiều bạn trẻ ra trường vài năm đã nhảy 3, 4 công ty. Theo chị, lý do nào khiến các bạn trẻ cứ liên tục nhảy việc như vậy? Có phải vì họ cảm thấy không hạnh phúc với môi trường làm việc của mình?

- Nhiều giám đốc nhân sự của các công ty lớn tâm sự rằng họ nhận được nhiều CV cứ 2 năm, 3-4 công việc. Giới trẻ có nhiều nguồn thông tin thì có nhiều nguồn ảnh hưởng. Thế hệ trẻ bọn giờ là khả năng vượt sướng, chứ không phải vượt khó. Có lẽ là khả năng vượt sướng cũng có giới hạn.

Tôi phỏng vấn các bạn trẻ và nhận được câu nói: Em sống vì đam mê. Nhưng đam mê là mình thích và kiên trì để đi theo đam mê. Một lớp nữa của đam mê là có thể em thích rất nhiều thứ, mình tìm cái mình thích và trùng với khả năng tạo ra giá trị. Khi và chỉ khi em tạo ra giá trị thì mới tạo ra giá trị cho công ty, cho khách hàng. Và từ đó, giá trị sẽ quay lại tạo ra giá trị cho em.

- Thế hệ trẻ có vẻ đam mê kém hơn thế hệ trước. Cần làm gì để nuôi dưỡng đam mê đấy, theo chị?

- Tôi theo một nguyên tắc như thế này mà chắc các bạn cũng đã nghe thấy: Quy tắc 10.000 giờ liên tục làm thì mới thành giỏi. Thời của tôi, hành trình là 3-5 năm. Thời các bạn, có thể ngắn hơn do tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn, đó là khoảng 2-3 năm.

Giai đoạn trong 3 tháng rất vui, rồi những khó khăn đầu sẽ đến. Chúng ta cần biết chu kỳ để vượt qua, chán rồi sẽ vui, sẽ buồn, rồi sẽ chán. Đó là chuyện bình thường và mình phải xây dựng được kỹ năng vượt qua cơn chán đó và biết cách tạo động lực để tiến lên.

- Chị có thể chia sẻ về các bí quyết để tự tạo ra động lực, vượt qua nỗi chán việc? Làm sao để họ luôn có động lực để luôn thúc đẩy trong công việc?

- Có rất nhiều cách để vượt qua nỗi chán. Mình đi từ nguyên nhân chán. Đó là việc mình không chịu trách nhiệm cho nỗi chán mà thường đổ lỗi cho các yếu tố: Công ty không đào tạo, như sếp không chăm lo, đồng nghiệp mình không vui. Chán là trách nhiệm của bản thân người đó. Nếu chán thì phải phải có trách nhiệm bóc tách và tìm cách để vượt qua nỗi chán. Đó là điều đầu tiên.

Các bạn trẻ thường thích thách thức mới. Vậy thì đừng chờ người khác đưa ra thách thức cho mình. Hãy tự tạo động lực cho mình. Ví dụ, tìm ra rằng, ngày hôm nay, cách thức nào để vượt qua và chinh phục thách thức đó.

Mỗi khi mình chán thì hãy đặt ra câu hỏi, mình đã làm gì hoặc không làm gì để mình chán. Chứ đừng đặt ra câu hỏi vì sao mình chán, tại ai mà tôi chán. Vì như vậy, bạn sẽ luôn là nạn nhân của nỗi chán đó. Khi chỉ khi, bạn thay đổi bản thân thì những thứ bên ngoài sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM