Vì sao các món đồ hàng hiệu đắt đỏ hơn cả ở Trung Quốc?

13/10/2019 20:27 PM | Kinh doanh

Thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ mặc dù giá thành đắt đỏ và các vấn đề liên quan đến hàng giả.

Louis Vuitton, Chanel, Hermès và Dior là một trong năm thương hiệu hàng đầu được liệt kê dưới hashtag "sneaker" trên ứng dụng mua sắm nổi tiếng của Trung Quốc RED, theo một báo cáo vào tháng trước. Thương hiệu "lạc loài" duy nhất trong số năm thương hiệu hàng đầu là Nike.

"Các thương hiệu xa xỉ đã thúc đẩy sự phát triển các danh mục sản phẩm hướng đến giới trẻ như giày thể thao và các mặt hàng thời trang với các mô hình thương mại điện tử sáng tạo và sự định hướng trào lưu của những người nổi tiếng trên các nền tảng kỹ thuật số", theo ông Jacelle Bailey, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và tư vấn của APAC Research tại Gartner L2, cho biết.

"It sneaker" đã nổi lên như một biểu tượng được sử dụng để thể hiện bản thân và là sản phẩm xa xỉ chủ chốt của người mua sắm trẻ tuổi tại Trung Quốc.

Các thương hiệu xa xỉ cũng đã "vay mượn" một chiến lược giá cả và phân phối từ văn hóa trang phục đường phố: "the drop model". Thuật ngữ này có nghĩa rằng các hãng sẽ chỉ phát hành một số lượng có hạn các mặt hàng trong một khoảng thời gian ngắn, và điều này tạo ra sự khan hiếm và cho phép họ đẩy giá thành lên cao hơn.

Theo Elizabeth Flora từ Gartner L2 chia sẻ với CNBC: "Sự giới hạn số lượng sản phẩm của trang phục đường phố tương tự như những gì các thương hiệu xa xỉ làm. Nó tạo ra cảm giác cấp bách phải sở hữu một món đồ nào đó."

Ví dụ, thương hiệu xa xỉ Rimowa hợp tác với nhãn hiệu trang phục đường phố "có nhiều liên quan nhất", Off-White, trong năm 2018 và tạo ra những chiếc vali trong suốt phiên bản giới hạn. So với những sự hợp tác xa xỉ khác, sự kết hợp này được đón nhận nhất trên Weibo - một nền tảng của Trung Quốc có tính năng tương tự twitter - mặc dù chiếc vali được bán với giá gần 1.700 USD.

Văn hóa trang phục đường phố - được lan rộng bởi các nhà thiết kế như Virgil Abloh và Kanye West - đã trở nên phổ biến vào năm 2017 và đã thâm nhập vào ngành công nghiệp xa xỉ. Trung Quốc là một thị trường quan trọng cho cả hàng xa xỉ và phục trang đường phố và vào năm 2018, người tiêu dùng Trung Quốc - bị "cám dỗ" bởi trang phục đường phố - tính tổng cả trong và ngoài nước đã chi 115 tỷ USD cho các mặt hàng xa xỉ, theo báo cáo từ McKinsey and Company.

Tuy nhiên, giá thành đắt đỏ và sự khan hiếm của những mặt hàng xa xỉ này đã tạo ra cơ hội cho hàng giả xuất hiện trên thị trường. Louis Vuitton đã là một trong những thương hiệu xa xỉ sử dụng phiên bản giới hạn như một chiến lược phân phối. Năm 2018, nhà mốt Pháp là thương hiệu xa xỉ bị làm giả nhiều nhất trên thế giới và các sản phẩm của nó chiếm hơn một nửa số sản phẩm xa xỉ giả được tìm thấy trên thị trường, theo báo cáo Thống kê hàng giả của Entrupy.

"Bởi nhu cầu về trang phục đường phố và hàng hóa xa xỉ ngày một tăng và số lượng khan hiếm, chúng càng có nhiều khả năng bị làm giả hơn. Các thương hiệu thành công nhất bị làm giả nhiều nhất, bởi vậy, các thương hiệu tương tự cũng cần phải thực sự chủ động khắc phục", Floral cho biết.

Thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ mặc dù giá thành đắt đỏ và các vấn đề liên quan đến hàng giả. Theo báo cáo của McKinsey & Company Muff China Luxury, đến năm 2025, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chiếm 40% chi tiêu toàn cầu cho các thương hiệu xa xỉ.

Nhưng khi người tiêu dùng trẻ tuổi bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn vào mua hàng hóa xa xỉ, các nhà mốt xa xỉ sẽ phải tiếp tục phát triển để duy trì thành công ở thị trường này.

Đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trẻ là một nhiệm vụ rất quan trọng. Người trẻ tuổi tại Trung Quốc đang có xu hướng mua nhiều hàng xa xỉ hơn. Họ đang bắt chước các xu hướng thời trang và những người nổi tiếng, cho nên các thương hiệu cần tận dụng điều này vào các chiến lược marketing.

Theo Mỹ Linh

Từ khóa:  hàng hiệu
Cùng chuyên mục
XEM