Vì sao Bộ tài chính đề xuất áp thuế VAT lại là tin vui cho nhiều doanh nghiệp và nông dân ngành này?

18/08/2017 13:58 PM | Kinh tế vĩ mô

Việc Bộ Tài chính dự kiến đưa phân bón quay trở lại là đối tượng chịu thuế VAT có thể xem là tin vui không chỉ cho các doanh nghiệp nội địa mà còn cho những người sản xuất nông nghiệp trực tiếp.

Trong báo cáo định hướng chính sách sửa đổi, bổ sung luật Thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế TNCN và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính cho biết qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua cho thấy quy định tại các luật thuế cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi.

Việc nhiều đối tượng không chịu thuế GTGT hiện nay (phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.

Tại một buổi tọa đàm do báo Tuổi trẻ tổ chức tháng 10 năm ngoái, nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón đã xin được hưởng thuế VAT là 0% thay vì miễn thuế như hiện nay hoặc được về mức 5% như trước. Cụ thể Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi một số điều của luật thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ 1/1/2015.

Theo cách tính thuế giá trị gia tăng bằng phương pháp khấu trừ: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng (=) thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ (-) thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

Trong đó: Thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng (=) giá tính thuế cuả hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng cuả hàng hoá, dịch vụ đó.

Thuế giá trị gia tăng đầu vào bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên khi áp dụng miễn thuế VAT, các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào mà lại không được khấu trừ đầu ra. Điều này tác động lớn đến chi phí đầu tư, sản xuất sản xuất phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa; mặt khác lại góp phần làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Cụ thể theo bà Trần Thị Bình, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, cho biết kể từ khi áp dụng luật này thì gánh nặng chi phí của Đạm Cà Mau là rất lớn. Năm 2015, Đạm Cà Mau không được hoàn thuế 245 tỉ đồng, lợi nhuận giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Hay như trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần DAP, VINACHEM cho hay, kể từ khi có luật, sản lượng mà DAP Đình Vũ bán ra ngày càng giảm. Nếu như năm 2014, DAP Đình Vũ bán ra thị trường khoảng 332.000 tấn thì năm 2015, đạt khoảng 256.000 tấn và năm 2016 dự kiến giảm xuống còn 178.000 tấn.

Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao cũng chỉ ra số liệu tính toán hàng năm công ty sản xuất 280.000 tấn hóa chất (chủ yếu cho nội bộ để sản xuất phân bón) và 1,6 triệu tấn phân bón. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô, phải chịu thuế đầu vào từ 5% đến 10%, với tổng giá trị tiền thuế đầu vào trên 180 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng do được miễn thuế VAT nên số tiền thuế này không được khấu trừ đầu ra. Do đó công ty này phải tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón lên 3,6%.

Trong khi đó, sản phẩm phân bón nhập khẩu nhờ được giảm 5% tiền thuế VAT nên có giá rẻ hơn, cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng cùng chủng loại sản xuất trong nước. Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, cho hay ban đầu khi nghe phân bón được miễn thuế VAT bà con nông dân rất phấn khởi vì nghĩ giá phân bón sẽ giảm, nhưng thực tế giá không những không giảm mà còn tăng.

Việc Bộ Tài chính dự kiến đưa phân bón quay trở lại là đối tượng chịu thuế VAT có thể xem là tin vui không chỉ cho các doanh nghiệp nội địa mà còn cho những người sản xuất nông nghiệp trực tiếp.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM