Vì sao Bộ Công thương trì hoãn thoái vốn tại Sabeco?

07/06/2016 10:04 AM | Kinh doanh

Đã 8 năm sau cổ phần hóa nhưng Bộ Công thương chưa thể thoái vốn khỏi Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hiện vấn đề này vẫn chưa có câu trả lời xác thực khi thông tin về lộ trình thoái vốn cứ nổi lên rồi lại chìm xuống.

Sabeco không muốn bán?

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, vấn đề thoái vốn tại Sabeco không hề tồn tại trong bất cứ một tờ trình nào. Trả lời tại Đại hội, ông Võ Thành Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Sabeco cho biết, trong phạm vi quyền hạn của mình, Sabeco không thể quyết định được điều này.

Được biết, vào giữa năm 2015, Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Cụ thể, hai phương án được đưa ra để bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco gồm: (1) Giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai; (2) Thoái phần vốn Nhà nước tại Sabeco làm 2 đợt, đợt 1 bán 40% và đợt 2 bán 13,59%.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nước ngoài cũng nuôi tham vọng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã đề xuất xin bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco theo phương án 1 là giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% trong một lần và thực hiện đấu giá công khai. Hiện đề xuất này đang được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa có câu trả lời.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, Sabeco là doanh nghiệp lớn và là một nguồn lợi tốt nên không loại trừ khả năng có sự muốn trì hoãn việc thoái vốn tại doanh nghiệp này.

Thách thức

Bỏ qua vấn đề thoái vốn, trong năm 2016, Sabeco sẽ gặp phải khó khăn lớn về thuế khi áp lực thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 50% lên 55% trong năm 2016 và được dự đoán sẽ kéo dài qua các năm tiếp theo.

Năm 2016, Hội đồng quản trị Sabeco nhận định sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn, đặc biệt là sự xâm nhập thị trường của thương hiệu nổi tiếng AB Inbev; áp lực thuế TTĐB tăng; biến động tỷ giá dẫn đến khả năng tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu. Ước tính trong năm 2016, công ty sẽ phải chi thêm 900 tỷ đồng nhập khẩu nguyên vật liệu, chưa kể chi phí đầu tư thiết bị.

Ngoài ra, gia nhập hiệp định TPP và một loạt hiệp định thương mại tự do đem lại cơ hội và thách thức. Riêng với ngành bia, việc giảm thuế nhập khẩu bia xuống 0% tạo rủi ro cho hãng bia nội, đồng thời khả năng xuất khẩu bia vào các thị trường khác là không cao.

Năm 2016, Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1,54 tỷ lít bia, tăng 20 triệu lít bia so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn là 1,49 tỷ lít. Tổng doanh thu bán hàng có thuế TTĐB theo kế hoạch đạt 35.046 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015, doanh thu bán hàng không bao gồm thuế TTĐB đạt 28.503 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện trong năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế Sabeco dự kiến đạt 3.436 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2015 do thuế phải nộp tăng. Trong năm 2016, Sabeco dự kiến chia cổ tức 30%, tương đương năm 2015. Năm 2016, thuế suất TTĐB tăng từ 50% lên 55% thì tiền đóng thuế của Sabeco cũng sẽ tăng (khoảng 1.600 tỷ).

Mặt khác, Sabeco cũng gặp khó trong quá trình thoái vốn ngành, do giá giảm mạnh nên việc thoái vốn gây ra các khoản lỗ. Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco thừa nhận năm 2015 công ty chưa quyết liệt trong việc thoái vốn ngành. Năm 2016, Sabeco sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đơn vị kém hiệu quả, tỷ suất sinh lời thấp, nhiều rủi ro và giải quyết dứt điểm đối với các khu đất còn vướng thủ tục pháp lý hoặc tồn tại mang tính lịch sử.

Tổng doanh thu Sabeco trong 4 tháng 2016 (không bao gồm thuế TTĐB) ước đạt 10.494 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty lại giảm mạnh 27% và chỉ đạt 1.215 tỷ đồng.

Theo Ánh Hoa

Cùng chuyên mục
XEM